5 gợi ý tông màu cho phòng làm việc tại nhà ấn tượng
Những tông màu trầm với thiết kế đơn giản là lựa chọn hàng đầu khi thiết kế phòng làm việc tại nhà bởi sự kết hợp này giúp tăng khả năng tập trung và hiệu quả công việc. Song điều đó không có nghĩa là bạn không thể sử dụng những tông màu sáng, vui tươi hay những thiết kế ấn tượng.
Nếu là người đam mê công việc hay một Freelancer làm nghề tự do thì có lẽ bạn không còn lạ gì với các home office - phòng làm việc tại nhà. Một home office đẹp không chỉ cần được đánh giá cao về mặt thẩm mĩ, thiết kế mà còn cần tạo được sự thoải mái cho người dùng. Vậy nên việc thiết kế một phòng làm việc tại nhà không phải lúc nào cũng đơn giản. Bạn sẽ phải cân nhắc kĩ lưỡng số lượng ghế ngồi, chất liệu chiếc sofa, vị trí của bàn, đặc biệt là tông màu cho căn phòng. Dưới đây là 5 gợi ý tông màu thiết kế ấn tượng cho phòng làm việc tại nhà.
Màu trắng
Màu trắng luôn là lựa chọn phổ biến trong thiết kế nội thất, đặc biệt là không gian phòng làm việc. Căn phòng với màu trắng đơn sắc khiến không gian rộng và thoáng mát, giúp giảm sự căng thẳng và tăng cường tập trung khi làm việc trong thời gian dài.
Phòng làm việc tại nhà đẹp và trang nhã với màu trắng cổ điển. Ảnh: Photographee.eu |
Màu trắng với hiệu ứng thị giác mở rộng không gian cũng cực kì phù hợp với những căn phòng có diện tích khiêm tốn. Hơn nữa, khi sử dụng màu trắng, bạn sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng về vấn đề “lỗi mốt”.
Màu nâu gỗ
Phòng làm việc phong cách Vintage cổ điển với màu nâu gỗ bóng. Ảnh: pics721 |
Nếu muốn có một phòng làm việc sang trọng với phong cách cổ điển Vintage, bạn nên sử dụng tông nâu gỗ. Như trong ảnh minh họa trên, bàn gỗ bóng đồng bộ với tủ âm tường, gỗ ốp và cửa sổ tạo không gian làm việc sang trọng, chẳng khác nào văn phòng cao cấp của những ông chủ lớn.
Tuy nhiên, để không gian không bị “ngợp” trong tông màu ấm này, bạn nên sử dụng kết hợp với đồ nội thất màu trung tính, ví dụ như thảm trải sàn, ghế bành hay đèn bàn.
Xanh trung tính
Giảm căn thẳng với tông xanh mát. Ảnh: Artazum |
Sự kết hợp giữa màu xanh cùng các màu trung tính sẽ khiến những giờ làm việc của bạn bớt căng thẳng hơn. Ảnh mình họa bên trên là một ví dụ điển hình. Chiếc tủ màu xanh trầm kết hợp với tường trắng và sàn gỗ khiến căn phòng hiện đại và không bao giờ lỗi mốt.
Màu xanh được thêm vào vô cùng tinh tế, vừa hoàn thiện bảng màu của căn phòng, vừa là điểm nhấn thị giác. Hơn nữa, việc lựa chọn tông xanh trầm thiên xám mang lại sự bình yên và thư giãn, hỗ trợ giảm stress khi làm việc. Trên hết, tông màu này có thể kết hợp với hầu hết các màu khác. Điều đó có nghĩa là nếu bạn thích một chiếc thảm lông hay những món đồ nội thất gỗ phủ bóng, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng trong căn phòng mà không bị lạc lõng.
Kết hợp các tông màu với màu sáng
Tạo góc làm việc sang trọng và cá tính bằng cách kết hợp màu sáng với tông màu nổi táo bạo. Ảnh: Africa Studio |
Nếu cảm thấy những tông màu truyền thống như xanh và nâu quá cổ điển, bạn hoàn toàn có thể sử dụng những tông màu ưa thích kết hợp với màu sáng cho phòng làm việc. Ví dụ, các tông màu pastel khiến không gian vui tươi hơn khi kết hợp với màu trắng, mang lại sự hiện đại mà không khiến phòng làm việc trở thành phòng ngủ của trẻ em.
Bạn có thể dễ dàng áp dụng cách này với tường và kệ màu trắng, thêm vào các vật dụng màu sắc như khung ảnh, tệp lưu trữ hồ sơ, giá sách hay thậm chí là một chậu xương rồng nho nhỏ.
Đỏ đậm
Đỏ đậm hay đỏ rượu vang có lẽ không phải là sự lựa chọn thông dụng cho phòng làm việc. Song, nếu biết cách kết hợp, một bức tường màu đỏ sẽ là điểm nhấn tuyệt vời cho căn phòng. Trái ngược với suy nghĩ thông thường, gam màu đỏ này khiến người dùng dễ tập trung hơn, do đó thường được các thư viện lâu đời sử dụng.
Một bức tường sơn đỏ sẽ là nét chấm phá trong phong cách thiết kế của căn phòng làm việc tại nhà. Ảnh: Photographee.eu |
Tuy nhiên, nếu bạn không muốn “nhức mắt” với căn phòng chìm ngập trong sắc đỏ, hãy kết hợp chúng với màu trắng cùng đồ nội thất hợp tông như thảm và ghế hồng như trong ảnh minh họa phía trên.
Hoài Thơm
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet