Bản đồ những tỷ phú bất động sản giàu nhất hành tinh
Mới đây, trang tin tức bất động sản propertywire của Anh đã tổng hợp và công bố danh sách 10 tỷ phú bất động sản thành công nhất cùng thông tin về danh mục đầu tư của họ trên bản đồ thế giới.
Bản đồ những tỷ phú bất động sản giàu nhất hành tinh năm 2020, theo thống kê của Propertywire |
10. Brian và Luke Comer (Ireland): 880 triệu bảng
Cặp anh em người Ireland bỏ học ở tuổi thiếu niên, kiếm sống bằng nghề thi công thạch cao rồi dần dần chuyển sang đầu tư phát triển bất động sản. Sự thay đổi nghề nghiệp này đã mang lại cho họ thành công ngoạn mục với khối tài sản có lúc lên tới hơn 1 tỷ bảng, góp mặt trong bản đồ những “ông trùm” bất động sản giàu có nhất hành tinh.
Năm 2013, Brian và Luke Comer đã mua lại tòa nhà Beckett ở Dublin, Ireland với giá 5 triệu euro, sau đó bán lại với giá hơn 100 triệu euro. Danh mục đầu tư bất động sản của bộ đôi này trải dài khắp Ireland, Anh và Đức, từ các siêu thị bán lẻ đến căn hộ cao cấp. Các dự án đáng chú ý do anh em Comer đầu tư có thể kể đến như công viên Royal Connaught ở London và khu nhà ở Princess Park Manor – công trình được chuyển đổi từ một bệnh viện tâm thần cũ được xây từ những năm 90.
9. Jeffrey Cheah (Malaysia): 984 triệu bảng
Jeffrey Cheah là người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Sunway – một trong những tập đoàn lớn nhất Malaysia hiện nay. Được thành lập vào năm 1974, dự án đáng chú ý đầu tiên của tập đoàn này là Bandar Sunway, còn được gọi là Sunway City. Sau dự án này, Sunway cũng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực nghỉ dưỡng, giải trí, khách sạn và chăm sóc sức khỏe, phát triển thành công những công trình thuộc nhóm dễ nhận biết nhất châu Á như khách sạn Sunway Resort Hotel and Spa ở Kuala Lumpur.
Sunway hoạt động dựa trên mô hình kinh doanh Build-Own-Operate (Xây dựng - Sở hữu - Hoạt động), có liên quan đến mọi mắt xích trong chuỗi bất động sản, liên kết chặt chẽ với nhay và ngày càng lớn mạnh. Sự thành công của tập đoàn này không thể thiếu dấu ấn của tỷ phú Jeffrey Cheah.
8. Jose Isaac Peres và gia đình (Brazil): 1,2 tỷ bảng
Peres bắt đầu xây dựng đế chế của mình khi chỉ mới 22 tuổi. Ông thành lập Vepan - công ty bất động sản đầu tiên được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Brazil và một công ty khác là tiền thân của Multiplan – tập đoàn bất động sản sở hữu hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhất Brazil, với khoảng 160 triệu khách hàng mỗi năm.
Sinh ra tại Rio de Janeiro, ông Peres từng từ chối đề xuất chuyển trụ sở chính của Multiplan đến “thủ đô tài chính” Sao Paulo để phát triển tại quê nhà, tạo việc làm và đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Tỷ phú này hiện sở hữu 30% cổ phần tại Multiplan.
7. Ursula Bechtolsheimer-Kipp (Đức): 3 tỷ bảng
Ursula Bechtolsheimer-Kipp là Chủ tịch Tập đoàn khách sạn Tschuggen nổi tiếng với những khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng trên khắp Thụy Sĩ như Tschuggen Grand Hotel, Carlton Hotel. Cha bà là ông Karl-Heinz Kipp - người sáng lập chuỗi cửa hàng bách hóa Massa của Đức.
Sau khi cha qua đời vào năm 2017, bà Ursula Bechtolsheimer-Kipp được thừa kế một phần tài sản hiện có giá trị ước tính lên tới 2,7 tỷ bảng.
6. Radovan Vitek (Séc): 3,3 tỷ bảng
Radovan Vitek hiện nắm giữ hơn 90% cổ phần của CPI - tập đoàn bất động sản sở hữu hàng loạt dự án bất động sản thương mại tại Cộng hòa Séc, Đức và nhiều nước châu Âu khác. Năm 2015, tỷ phú này từng gây xôn xao khi mua khu bất động sản Ringo Starr ở Surrey, Anh với giá 13,5 triệu bảng.
5. Rene Benko (Áo): 3,9 tỷ bảng
Năm 2000, sau khi bỏ học đại học để tập trung vào bất động sản, ông Benko thành lập SIGNA - một trong những tập đoàn bất động sản tư nhân lớn nhất nước Áo. Tập đoàn này đã nhanh chóng phát triển sang các lĩnh vực truyền thông, bán lẻ và ghi nhận doanh thu 7,5 tỷ euro. Thương hiệu SIGNA có độ nhận diện rất tốt ở châu Âu, “phủ sóng” rộng khắp từ các cửa hàng bách hóa đến mảng báo chí.
Năm 2019, thông qua một liên doanh, SIGNA đã mua lại Chrysler New York - một trong những tòa nhà chọc trời dễ nhận biết nhất của Manhattan.
4. Naomi Azrieli và gia đình (Canada): 4,5 tỷ bảng
Là con gái của nhà đầu tư bất động sản người Canada gốc Israel David Azrieli, Naomi Azrieli và em gái Danna đã đảm nhận công việc kinh doanh của cha mình sau khi ông qua đời vào năm 2014. Naomi giữ vị trí đứng đầu công ty quản lý và phát triển bất động sản CanPro Investments, còn Danna lãnh đạo tập đoàn Azrieli. Tập đoàn này sở hữu chuỗi trung tâm mua sắm, tòa nhà văn phòng lớn ở Israel. Tháp Azrieli Sarona - tòa nhà cao nhất của Israel - là một trong những tài sản đáng chú ý nhất của gia đình Azrieli.
3. Hugh Grosvenor (Anh): 10,1 tỷ bảng
Hugh Grosvenor - Công tước Westminster đời thứ 7 - nắm quyền sở hữu Tập đoàn Grosvenor sau khi cha ông là Công tước Gerald qua đời năm 2016. Tập đoàn này có lịch sử lâu đời, khởi nguồn từ hoạt động kinh doanh từ thế kỷ XVII, dần dần phát triển thành một tập đoàn bất động sản toàn cầu, chuyên đầu tư bất động sản bán lẻ, văn phòng, nhà ở, thậm chí có các dự án với quy mô thành phố.
Được thừa hưởng một phần lớn tài sản từ cha, cũng từng góp mặt trong nhóm những người giàu nhất thế giới dưới 30 tuổi nhưng rất nhiều tài sản của Hugh Grosvenor bị khóa trong các quỹ ủy thác do một ủy ban giám sát chặt chẽ. Mặc dù vậy, tỷ phú này vẫn đủ giàu có và hào phóng để quyên góp tới 12,5 triệu bảng hỗ trợ chính quyền Anh chống dịch Covid-19.
2. Donald Bren (Mỹ): 12,5 tỷ bảng
Đế chế kinh doanh của Donald Bren bắt đầu vào cuối những năm 50 khi ông thành lập công ty Bren chuyên đầu tư phát triển nhà ở tại California. Những năm 70, ông đã bán công ty rồi mua lại với mức giảm sâu sau thời kỳ suy thoái kinh tế, tạo ra lợi nhuận 12 triệu USD.
Bren dùng số tiền lãi được từ thương vụ trên để mua chung công ty Irvine. Bắt đầu với 34,3% cổ phần công ty, ông trở thành Phó Chủ tịch rồi sau đó là Chủ tịch với đa số cổ phần vào năm 1983. Đến năm 1996, tỷ phú này đã mua 100% cổ phần để sở hữu độc quyền công ty. Bren được mệnh danh là ông trùm bất động sản giàu có nhất nước Mỹ. Danh mục đầu tư của công ty Irvine bao gồm các dự án nhà ở, khu bán lẻ và văn phòng trên khắp California, Chicago và New York.
1. Hứa Gia Ấn (Trung Quốc): 21,8 tỷ bảng
Tỷ phú Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) trải qua tuổi thơ mồ côi mẹ và thời niên thiếu gian khó. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông nghỉ học về làm nông. Năm 1977, ông đi thi đại học nhưng bị trượt. Ông quay lại trường ôn tập, thi lại vào năm sau đó và đỗ vào trường với điểm số cao thứ 3. Tốt nghiệp đại học, ông được phân về công tác tại một nhà máy gang thép rồi liên tục phấn đấu để vươn lên hàng ngũ lãnh đạo.
Năm 1992, Hứa Gia Ấn chuyển đến Quảng Châu và thành lập Tập đoàn Evergrande, sau này trở thành một trong những thương hiệu bất động sản lớn nhất thế giới. Năm 2017, ông Hứa trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Tỷ phú này cũng là chủ tịch của Câu lạc bộ Bóng đá Quảng Châu Evergrande. Được biết, Tập đoàn Evergrande đang có kế hoạch sản xuất xe điện.
Đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ làm “bốc hơi” một phần đáng kể trong khối tài sản của Hứa Gia Ấn. Mặc dù vậy, tỷ phú này vẫn vững vàng ở vị trí đầu tiên trong danh sách những “ông trùm” bất động sản giàu nhất thế giới.
Liên Hương
>> Top tỷ phú bất động sản giàu nhất hành tinh: Tài sản biến động chóng mặt
>> Ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ chèo lái kinh tế Mỹ phục hồi
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet