Sôi động bất động sản nghỉ dưỡng

Bất động sản nghỉ dưỡng đang chiếm thế thượng phong về nguồn cung, quy mô ở Thanh Hóa, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo cũng như thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Liên tục trong khoảng 10 năm qua, Thanh Hóa luôn nằm trong top đầu cả nước về tăng trưởng du lịch. Trong giai đoạn 2011- 2015, Thanh Hóa đón trên 21 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 13%/năm (cao hơn so với bình quân cả nước là 8,6%). Riêng trong năm 2017, theo số liệu từ Sở du lịch tỉnh, Thanh Hóa ước đón 7 triệu lượt khách, tăng 11,5% so với năm 2016. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 26,9% so với năm 2016. Những con số ấn tượng này là một trong những cơ sở quan trọng khiến hàng loạt ông lớn đổ tiền vào bất động sản nghỉ dưỡng xứ Thanh.

Bất động sản Thanh Hóa: Cuộc đổ vốn rầm rộ của các ông lớn
Bất động sản nghỉ dưỡng đang chiếm thế thượng phong về nguồn cung, quy mô ở Thanh Hóa

So với các tỉnh thành khác ở miền Bắc cùng được thiên nhiên ưu ái đường bờ biển thì Thanh Hóa là một trong những tỉnh khai thác tối đa và thành công lợi thế này. Với 102km đường bờ biển trải dài từ Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương đến Tĩnh Gia, các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn xuất hiện ở 4/6 huyện thị.

Đầu năm 2014, dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links của FLC được khởi công tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa). Dự án là quần thể sân golf - resort - khách sạn với diện tích trên 450 ha với tổng mức đầu tư gần 5.500 tỷ đồng. Cũng trong năm đó, Thanh Hóa khai trương khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến với diện tích 82,2ha bao gồm các khu biệt thự cao cấp, khách sạn và khu vui chơi giải trí.

Thế nhưng phải hơn 2 năm sau đó, sau sự thành công của FLC Sầm Sơn, nhiều ông lớn mới mạnh tay đổ tiền vào bất động sản nghỉ dưỡng xứ Thanh. Chỉ riêng trong năm 2017, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn được công bố hoặc bước đầu triển khai.

Giữa năm 2017, dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái BID Pristine Ressort tại Khu kinh tế Nghi Sơn (thuộc huyện Tĩnh Gia) của BID Group được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Dự án nằm trên bãi biển Hải Hòa có quy mô khoảng 8,7ha, bao gồm khu nghỉ dưỡng quy mô 400 phòng tiêu chuẩn 5 sao, nhà hàng và các dịch vụ phụ trợ kèm theo.

Cùng thời điểm, dự án khu đô thị du lịch tại xã Quảng Thạch và xã Quảng Nham (Quảng Xương) của Công ty CP tập đoàn BRG được công bố. Dự án có diện tích 550ha với các khu dịch vụ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi và trung tâm thương mại. Nhà đầu tư dự kiến sẽ khởi công dự án vào tháng 8/2018 và đưa vào hoạt động trong năm 2020.

Cuối tháng 12, Thanh Hóa đón thêm 1 dự án nghỉ dưỡng mới là khu đô thị du lịch sinh thái biển huyện Quảng Xương với diện tích hơn 3,3 triệu m2. Dự án bao gồm các khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu du lịch, trung tâm vui chơi giải trí… Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros làm chủ đầu tư dự án này.

Đầu năm 2018, UBND huyện Tĩnh Gia phối hợp với Công ty CP Tập đoàn T&T tổ chức công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Đô thị du lịch sinh thái Tân Dân thuộc huyện Tĩnh Gia. Dự án gồm các hạng mục công trình như khu resort, biệt thự, khu vui chơi giải trí và dịch vụ tổng hợp…

Nở rộ nhà phố thương mại shophouse

Trước 2014, thị trường bất động sản Thanh Hóa khá đơn giản với sản phẩm chủ đạo là đất nền phân lô. Từ sau 2014, sự tham gia của các ông lớn khiến sản phẩm bất động sản trở nên phong phú. Bên cạnh sự góp mặt đa dạng của các loại hình nghỉ dưỡng, thì khoảng 3 năm gần đây, cùng với Quảng Ninh, Thanh Hóa là một trong những thị trường tỉnh lẻ ở phía Bắc xuất hiện nhiều dự án shophouse nhất. Các dự án này đều tập trung ở thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn.

Bất động sản Thanh Hóa: Cuộc đổ vốn rầm rộ của các ông lớn
Mô hình một dự án shophouse đang triển khai tại Thanh Hóa

Ngày 9/6/2016, Tập đoàn Vingroup chính thức ra mắt dự án nhà phố thương mại - Vincom Shophouse Thanh Hóa. Dự án gồm 139 căn shophouse được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế có giá bán từ 50 triệu/m2.

Trong cuộc đổ vốn vào Thanh Hóa, tập đoàn FLC cũng phát triển dự án shophouse FLC Lux City. Dự án tọa lạc tại thành phố Sầm Sơn, cung cấp cho thị trường 131 shophouse có diện tích từ 106-114m2 với giá bán khoảng 20 triệu/m2.

Năm 2017, tập đoàn Eurowindow Holding cũng quyết định đầu tư xây dựng 216 căn shophouse tại thành phố Thanh Hóa. Các căn shophouse có diện tích từ 70-120m2, có thiết kế 3 tầng 1 tum, được chào bán từ 26 triệu/m2.

Chị Diệu Linh, môi giới của sàn Danko Group cho biết, nhà phố thương mại shophouse có những đặc điểm riêng trong phát triển. Với chức năng vừa ở vừa kinh doanh, shophouse buộc phải tọa lạc ở những vị trí đắc địa - nơi hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Tại Thanh Hóa, những khu vực có hoạt động giao thương buôn bán, du lịch phát triển mạnh như thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, quỹ đất đẹp vẫn còn dồi dào – đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình shophouse.

Theo ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Trưởng văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại Thanh Hóa thì sở dĩ trong những năm qua, Thanh Hóa hút mạnh dòng vốn đầu tư là do chính sách ưu đãi hấp dẫn của tỉnh. Khi đầu tư vào Thanh Hóa, nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Tuấn Anh, về yếu tố địa lý – tự nhiên thì Thanh Hóa nằm ở trung tâm miền Trung. Đây là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 và dân số đông thứ 3 cả nước, Thanh Hóa có lợi thế ở nguồn tài nguyên đất phong phú và nguồn cầu lớn từ chính thị trường nội tại là dân số đông, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm. “Cùng với đó, với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái đồng bằng, miền núi, trung du, biển, rừng và các di tích văn hóa lịch sử lớn, Thanh Hóa có thế mạnh trong phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thúy An

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME