Biệt thự ở khu đất "kim cương" được rút khỏi danh mục quản lý
Ngôi biệt thự số 20 phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) nằm ở vị trí “kim cương” của những tuyến phố sầm uất nhất Thủ đô đã được rút khỏi danh mục quản lý những ngôi biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954.
Thêm biệt thự nhóm 2 ra khỏi danh sách
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành Quyết định số 1101/QĐ xác định nhà biệt thự số 20 phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) được xây dựng sau năm 1954 và đưa ra khỏi danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 được quản lý theo quy định tại điều 1, quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND thành phố.
Quyết định này là căn cứ để nhà số 20 phố Trần Hưng Đạo được quản lý, sử dụng theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Thành phố giao cho Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa và Thể thao, Tài chính, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyết định này.
Theo quan sát của phóng viên, ngôi biệt thự bề thế này nằm ở khu đất “kim cương”, với hai mặt tiền là những tuyến phố trung tâm sầm uất nhất Hà Nội là phố Trần Hưng Đạo và phố Phan Huy Chú. Ngôi biệt thự được xây theo lối kiến trúc cũ, gồm 4 tầng hiện đang được sử dụng cho thuê làm văn phòng, các công ty. Trong đó có những đơn vị thuê văn phòng của công ty nước ngoài. Giới nhà đất cho biết, mỗi m2 nhà mặt phố Trần Hưng Đạo hiện có giá giao dịch từ 600-900 triệu đồng.
Biệt thự "khủng" hai mặt tiền số 20 Trần Hưng Đạo được
đưa ra khỏi danh mục biệt thực cũ xây trước năm 1954
Nhiều biệt thực cũ ra khỏi danh mục quản lý
Theo Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND TP. Hà Nội về danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội”, thì biệt thự số 20 phố Trần Hưng Đạo nằm trong số 180 biệt thự trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được liệt vào nhóm 2 (biệt thự có giá trị về kiến trúc).
Trong thời gian qua, nhiều biệt thự cũ nằm trong danh mục quản lý theo quy chế nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 đã được ra khỏi danh mục quản lý theo quy chế này. Trước đó, Hà Nội cũng đưa ra khỏi danh mục quản lý theo Quy chế nhà biệt thự cũ 2 biệt thự xây trước năm 1954 nằm cạnh hồ Gươm để dành đất xây khách sạn. Cụ thể, công trình khách sạn tại khu đất số 22-32 phố Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), là khu đất nằm cạnh hồ Gươm và 2 công trình này từng nằm trong danh mục quản lý biệt thự xây trước năm 1954 (cụ thể là hai biệt thự số 30 và 32-PV).
Theo ý kiến của lãnh đạo Hà Nội, HĐND thành phố có văn bản đưa công trình nhà số 30, 32 ra khỏi danh mục biệt thự. Sở Quy hoạch kiến trúc cũng đã có báo cáo về dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại khu đất 22-32 phố Lê Thái Tổ. Thành phố chấp thuận về nguyên tắc với nội dung báo cáo của Sở Quy hoạch kiến trúc, đồng thời, giao Sở này hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh phương án quy hoạch, kiến trúc, lấy ý kiến các chuyên gia, tổ chức nghề nghiệp, thông tin rộng rãi để nhân dân được biết và góp ý.
Ngôi biệt thự số 20 Trần Hưng Đạo có hai mặt tiền của hai tuyến phố sầm uất nhất Thủ đô
Thành phố cũng giao các sở, ngành rà soát, xác định đầy đủ, chính xác nhà biệt thự thuộc và không thuộc đối tượng quản lý theo quy chế biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954, báo cáo HĐND thành phố xem xét, điều chỉnh 2 công trình tại nhà số 30, 32 Lê Thái Tổ nằm trong danh mục 382 biệt thự cũ xếp nhóm 2, thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế nêu trên.
Ngày 17/1/2017, chủ đầu tư dự án khách sạn 6 sao Four Season là Công ty CP Intimex Việt Nam (thuộc Tập đoàn BRG) cùng các đối tác đã tiến hành động thổ tại khu đất số 22-32 sát Hồ Gươm trên phố Lê Thái Tổ, (quận Hoàn Kiếm).
Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội quy định, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý không được tự ý phá dỡ. Trường hợp biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 bị xuống cấp, hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND thành phố và HĐND thành phố (với biệt thự nhóm 1) và UBND thành phố (với biệt thự nhóm 2) cho phép phá dỡ, xây dựng lại.
Với biệt thự thuộc nhóm 2, trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép phá dỡ công trình, chủ đầu tư phải có dự án xây dựng lại nhà biệt thự đảm bảo theo kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao).
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet