Khi cầu chê cung

Chất lượng thấp, hạ tầng yếu kém, dịch vụ thiếu thốn là những phàn nàn của người dân về nhà tái định cư. Thậm chí, có thời điểm, nhà tái định cư đã được miêu tả ngắn gọn bằng cụm từ "3 không, 4 nát": không đường giao thông, không điện, không nước sạch; trần nát, tường nát, thoát nước nát, cửa nát.

Theo các chuyên gia đô thị, các khu nhà tái định cư đều được hứa hẹn sẽ là chốn an cư lạc nghiệp cho người dân, tuy nhiên thực tế lại khác xa một trời một vực. Việc xây dựng nhà tái định cư chậm và bị coi nhẹ về chất lượng công trình, ra quy chuẩn chậm, xây dựng công trình và vận hành tòa nhà lại thuộc 2 đơn vị khác nhau, chủ đầu tư gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình suốt quá trình sử dụng, càng khiến chất lượng nhà tái định cư trở nên tệ hại, thậm chí nhiều khu vừa bàn giao nhà đã xuống cấp.

Có thể kể đến không ít khu tái định cư của Hà Nội bị người dân kêu ca phàn nàn như Nam Trung Yên, Đồng Tàu, Định Công...

Khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) từng nổi tiếng bởi độ hoang tàn và điều kiện sống của người dân không được đảm bảo, khi cả khu đô thị như một công trường, không đường sá, không chợ, không trường học, bệnh viện…

Khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) xuống cấp chỉ sau 5 năm đi vào sử dụng khiến người dân bức xúc. Mới đây nhất, TP Hà Nội đã phải có văn bản chỉ đạo giải cứu khẩn cấp khu tái định cư này bởi tình trạng xuống cấp đã đến mức báo động: móng nhà lún thành những rãnh sâu, nền nhà liên tục sụt đất khiến tường nứt, ống cống vỡ, nước thải chảy lênh láng cả năm không được sửa chữa.

Theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, có thể nhận thấy sự đối lập rõ ràng về diện mạo kiến trúc, mỹ quan đô thị và chất lượng công trình giữa các khu nhà ở chung cư thương mại và khu chung cư tái định cư.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cách thức làm nhà tái định cư hoàn toàn không ổn, các khu nhà tái định cư hầu hết đều thiếu thốn về hạ tầng, thậm chí có những khu nằm giữa cánh đồng. Chính chất lượng, dịch vụ, đời sống không được đảm bảo đã tạo ra mặc cảm không hề nhỏ của người dân dành cho loại hình nhà ở này.

Bỏ nhà tái định cư

Việc xóa bỏ khái niệm nhà tái định cư đã được đề ra từ cách đây nhiều năm bởi thực trạng quá tệ hại của loại hình nhà ở này. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, 60-70% dân trong các khu tái định cư ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp.HCM đã đổi chủ. Điều này cho thấy các khu tái định cư đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân, do đó mục đích tốt đẹp ban đầu của Nhà nước cũng không được đảm bảo.

Khu TĐC Nam Trung Yên từng là điển hình cho những khu TĐC "3 không, 4 nát"

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng nhận định đã đến lúc cần thay đổi phương thức tái định cư. “Sẽ hạn chế tối đa việc xây dựng nhà tái định cư. Khái niệm nhà tái định cư cũng sẽ được bỏ, thay vào đó sẽ là nhà dành cho mục đích tái định cư.

Theo đó, sẽ có các phương án linh hoạt hơn như mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư, các dự án NƠXH cũng sẽ được sử dụng vào mục đích này, những người thuộc diện được đền bù sẽ được một suất mua NƠXH mà người dân được tự ý lựa chọn dự án” - ông Nam cho biết.

Trên thực tế, sự lột xác dành cho nhà tái định cư đã bắt đầu có nhiều dấu hiệu tích cực. Mới đây, TP Hà Nội đã quyết định mở cửa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà tái định cư, thay vì bao cấp như trước đây.

Bên cạnh đó, TP cũng tiếp tục thực hiện chính sách tái định cư hoặc tạm cư bằng tiền trong trường hợp hộ dân tự lo được chỗ ở. Nhiều chuyên gia khẳng định chính sách này sẽ tránh được tình trạng “đem con bỏ chợ” như trước, đồng thời giảm thiểu được tiêu cực, giúp điều kiện sống của người dân được cải thiện, nhờ đó nhà tái định cư sẽ không còn là loại hình nhà ở đi bên lề thị trường nhà ở như hiện nay.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME