Bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành
Dự án sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô giải phóng mặt bằng lớn, cần Quốc hội đồng thuận, tập trung vốn cho dự án...
Trước buổi thảo luận vào chiều ngày 8/6 của Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay Long Thành thành dự án thành phần, Bộ GTVT đã gửi đến các vị đại biểu báo cáo giải trình về nhiều vấn đề còn gây băn khoăn và cho biết có thể sẽ xin bổ sung vốn cho dự án.
Không có rủi ro?
Một vấn đề được các đại biểu đặt ra là cần đánh giá rủi ro nếu Quốc hội không thông qua nghiên cứu khả thi của dự án này, sau khi thu hồi giải phóng mặt bằng.
Bộ GTVT giải trình, sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án sân bay Long Thành đã được khẳng định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án được Quốc hội khoá 13 thông qua trong nghị quyết 94.
Đề nghị tách việc giải phóng mặt bằng của Chính phủ chỉ là một bước để thực hiện nghị quyết 94. Tại các bước tiếp theo, Quốc hội sẽ thông qua nội dung dự án thành phần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng như tất cả các giai đoạn của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc triển khai dự án theo định kỳ.
Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa hoàn thành |
Sân bay Long Thành nằm ở vị trí thuận lợi cho việc đầu tư các công trình trọng điểm như cảng hàng không, khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp.
Chính phủ cũng nêu rõ trong tờ trình sự cần thiết của việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần, đặc biệt là tránh tăng chi phí giải phóng mặt bằng do tại khu vực thực hiện dự án, giá đất liên tục tăng.
Đồng thời, trong quá trình chờ xây dựng sân bay, Chính phủ sẽ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các giải pháp để sử dụng, khai thác có hiệu quả đất tại khu vực dự án với phần diện tích đất giải phóng mặt bằng.
Hai chữ rủi ro không lần nào được nhắc đến trong toàn bộ phần giải trình của Bộ.
Thiếu vốn sẽ xin bổ sung
Thảo luận tại tổ, việc tăng kinh phí giải phóng mặt bằng từ 18.000 tỷ lên 23.000 tỷ đồng cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân.
Báo cáo giải trình cho biết, dự án chưa có thông báo thu hồi đất, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên kinh phí mới ở mức khái toán. Và kinh phí này tăng bởi biến động giá đất từ năm 2015-2017 tăng 1.843 tỷ. Áp dụng theo khung chính sách và một số cơ chế đặc thù khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng 2.032 tỷ. Các chi phí khác như kinh phí dự phòng, tổ chức thực hiện... tính theo tỷ lệ tăng 470 tỷ đồng.
Về việc kinh phí giải phóng mặt bằng có phát sinh nữa hay không, Bộ GTVT khẳng định tổng mức khái toán trên 23.000 tỷ đồng là cơ bản phù hợp với thực tế và dự phòng cho các phát sinh.
Các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ liên quan đến việc vốn trung hạn mới bố trí 5.000 tỷ đồng, vậy phương án huy động và sử dụng vốn còn thiếu như thế nào.
Bộ khẳng định vốn giải phóng mặt bằng chủ yếu sử dụng từ ngân sách nhà nước.
Báo cáo cho biết, có thể hoàn trả dần cho ngân sách nhà nước một phần vốn này từ việc cho thuê quyền sử dụng đất để xây các công trình thương mại và dịch vụ khoảng 1.000 tỷ đồng. Việc cho thuê đất với các khu vực chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án ước thu khoảng 500 tỷ. Nguồn thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư và khai thác kinh doanh từ quỹ đất tái định cư khoảng 4.000 tỷ.
Cơ quan giải trình cũng nhấn mạnh rằng, sau khi UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng cụ thể phương án giải phóng mặt bằng, sẽ xác định được tổng kinh phí chính thức làm căn cứ để Thủ tướng báo cáo Quốc hội xem xét, cân đối, bổ sung và bố trí vốn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet