Bùng nổ các dự án nghỉ dưỡng tại Bình Thuận (kì 1)
Nửa đầu năm 2019, Bình Thuận là một trong những điểm nóng của thị trường bất động sản cả nước. Sự sôi nổi của thị trường đến từ phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền, đất thổ cư. Nếu bất động sản nghỉ dưỡng là sự bùng nổ của hàng loạt dự án quy mô lớn thì đất nền, đất thổ cư sốt nóng với biến động giá liên tục.
Hàng chục dự án nghỉ dưỡng đổ bộ Bình Thuận
Chưa đầy 1 năm, từ cuối năm 2018 đến thời điểm hiện tại, Bình Thuận chứng kiến sự hiện diện liên tiếp và dồn dập của khoảng chục dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn. Phần lớn các dự án đều tập trung tại thành phố Phan Thiết – trung tâm thương mại, du lịch của tỉnh. Sự bùng nổ này khiến Bình Thuận được đánh giá là thị trường nghỉ dưỡng mới sôi động nhất thời gian qua, thu hút mạnh mẽ mối quan tâm của giới đầu tư.
Cuối năm 2018, dự án biệt thự biển Paradise Bay (Mũi Né, Phan Thiết) quy mô 9,1 ha chính thức mở bán. Dự án bao gồm 255 căn biệt thự kết hợp các dịch vụ nghỉ dưỡng, khách sạn năm sao, trung tâm mua sắm và giải trí,, giá bán mỗi nền là 10 triệu đồng/m2.
Trong tháng 11/2018, Novaland – một ông lớn của địa ốc TP.HCM chính thức giới thiệu dự án NovaHills Mũi Né có quy mô gần 40ha. Dự án có khoảng 600 căn biệt thự đơn lập, diện tích từ 250-300m2, mức giá dự kiến từ 7,3 tỷ đồng/căn.
Cùng thời điểm, Goldsand Hill Villa - Mũi Né do tập đoàn VNG và công ty Lộc Tú phát triển với quy mô hơn 9 ha được giới thiệu trên thị trường. Goldsand Hill Villa - Mũi Né là một khu phức hợp nghỉ dưỡng với hơn 200 căn biệt thự có diện tích từ 200 - 300m2. Dự án có mức giá từ 1,6 - 2 tỉ đồng một nền biệt thự.
Thời điểm đầu năm 2019, khu đô thị dịch vụ du lịch hơn 31 ha tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết của Công ty TNHH đầu tư Hưng Lộc Phát đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Dự án bao gồm nhiều loại hình bất động sản như biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà phố, nhà phố kết hợp thương mại, căn hộ cao tầng, đất ở kết hợp dịch vụ du lịch…
Giữa tháng 2/2019, chủ đầu tư APEC giới thiệu dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né. Nằm trên đường DT716 - đường Xuân Thủy, Apec Mandala Wyndham Mũi Né cung ứng ra thị trường gần 2.800 căn condotel có diện tích từ 25m2 – 70m2.
Đầu tháng 3/2019, tập đoàn Novaland chính thức công bố dự án NovaWorld Phan Thiết (phường Tiến Thành) có quy mô gần 1.000ha với các loại hình nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại... Giá bán dao động từ 3,3-6,5 tỷ đồng/căn.
Đến tháng 4/2019, Diamond Bay Phan Thiết (phường Phú Hài, Thành phố Phan Thiết) chính thức được tung ra thị trường. Diamond Bay Phan Thiết có quy mô 154.106,3 m2 với 255 lô đất biệt thự có diện tích từ 274-412 m2. Giá bán tham khảo tại dự án là từ 14,5 triệu đồng/m2.
Bình Thuận được đánh giá là thị trường nghỉ dưỡng mới sôi động nhất thời gian qua,
thu hút mạnh mẽ mối quan tâm của giới đầu tư. Ảnh minh họa
Tháng 6/2019, dự án Thanh Long Bay được giới thiệu trên thị trường. Thanh Long Bay toạ lạc tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), được quy hoạch với quy mô lên đến 90 ha. Dự án bao gồm các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như: khu nhà phố thương mại biển, khu căn hộ biển, khu biệt thự biển và khách sạn. Các căn hộ biển tại dự án có giá bán tham khảo từ 1,1-2,3 tỷ/căn, nhà phố thương mại từ 2,6-3,7 tỷ/căn, biệt thự biển có giá từ 5,2-8,3 tỷ/căn.
Lý giải sức hút
Sự bùng nổ của thị trường nghỉ dưỡng Phan Thiết thời gian qua bắt nguồn từ thông tin hàng loạt dự án hạ tầng khủng được triển khai. Đó là sân bay Phan Thiết với quy mô đầu tư 10.000 tỷ đồng được dự kiến khởi công vào tháng 9/2019. Cùng với đó, dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ cũng dự kiến được khởi công vào quý 3/2019.
Bên cạnh đó, số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho thấy tốc độ phát triển du lịch của tỉnh đều đạt những con số ấn tượng qua các năm. Năm 2018, Bình Thuận đón gần 5,8 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 12,08% so với năm 2017. Trong đó, có 675.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch, nghỉ dưỡng của Bình Thuận ước đạt 12.851 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đến năm 2018, cả tỉnh Bình Thuận mới chỉ có 474 cơ sở lưu trú du lịch. Tổng số phòng đang hoạt động là 14.289. Số liệu của Sở du lịch tỉnh cũng cho biết có 238 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng với 9.476 phòng. Trong đó, số cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao chỉ có 3 cơ sở với 348 phòng, 4 sao có 28 cơ sở với 3.083 phòng, 3 sao có 19 cơ sở với 1.502 phòng, 2 sao có 34 cơ sở với 1.542 phòng, 1 sao có 42 cơ sở với 961 phòng, nhà nghỉ du lịch có 73 cơ sở với 1.449 phòng, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê có 39 cơ sở với 591 phòng.
Như vậy, số lượng cơ sở lưu trú cao cấp tại Bình Thuận đang rất ít ỏi so với tốc độ tăng trưởng du lịch của tỉnh. Thực tế này cho thấy thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Bình Thuận còn rất giàu tiềm năng và nhiều dư địa phát triển. Đây cũng chính là cơ sở để Bình Thuận đón một cơn mưa dự án nghỉ dưỡng trong suốt thời gian qua, và lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư.
Hải Miên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet