Buồng vệ sinh tận dụng
Trong nhà ống hiện nay, vì tận dụng diện tích và muốn nối liền không gian trước sau nên buồng vệ sinh trệt phải đặt dưới gầm cầu thang. Vị trí này có đặc điểm là khá bất lợi về diện tích và hình dáng. Do đó, sẽ có khá nhiều vấn đề phát sinh nếu không xử lý khéo.
Ánh sáng và thông thoáng
Có thể sử dụng gạch thủy tinh hoặc kính mờ trên cửa vào buồng vệ sinh để lấy thêm ánh sáng bên ngoài. Cửa vào cũng nên có những kẽ thông thoáng hoặc lá sách. Ngoài ra, nên đặt thêm quạt hút để hỗ trợ việc thông gió, nhưng chọn lựa vị trí để gắn quạt sao cho không mất thẩm mỹ, đòi hỏi ta phải cân nhắc rất nhiều.
Độ cao và diện tích
Nhà vệ sinh ngay cạnh phòng khách.
Ảnh: Nhà Đẹp
Việc đặt các thiết bị vệ sinh phải lưu ý về độ cao, đôi khi vì không tính trước nên gây rất nhiều khó khăn cho người sử dụng. Thông thường, khoảng không phía trên bồn cầu phải cao hơn hoặc bằng 1,6 m mới sử dụng được. Ta cũng có thể tăng thêm độ cao buồng vệ sinh bằng cách xử lý sàn âm xuống vài bậc. Ngoài ra, có thể nới rộng buồng vệ sinh bằng cách xây tường ngoài lấn ra khỏi bề rộng cầu thang 20-30 cm, sau đó xử lý bằng cách biến các vách tường ấy thành bệ trang trí.
Cửa vào
Vì diện tích buồng vệ sinh chật nên đôi lúc cửa vào có thể vướng phải lavabo. Lúc này, ta có thể dùng cửa hai cánh gấp, hoặc hai cửa mở. Nên gắn thêm "cùi chỏ" tự đóng cửa sau khi sử dụng.
Thẩm mỹ
Cửa vào có trang trí.
Ảnh: Nhà Đẹp
Gạch ốp nên đơn giản một màu sáng và ít có họa tiết để tạo cảm giác thoáng rộng. Ta cũng có thể xử lý các góc chết thành những bệ trang trí và tăng tính năng sử dụng, thành một kho nhỏ chẳng hạn. Gặp trường hợp cửa vào không tránh khỏi hướng nhìn từ phòng khách và phòng ăn, nên thiết kế nó như cửa ra ngoài trời, có thể đó là cửa lá sách hoặc lắp kính tráng thủy vào khuôn cánh để mọi người khi nhìn vào sẽ quên đi cảm giác cửa vào buồng vệ sinh.
Theo Nhà Đẹp
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet