Các đối tượng được cấp phép xây dựng tạm
Hỏi: Tôi có mua một miếng đất tại huyện Gia Lâm, Hà Nội (đã có giấy chứng nhận). Tôi xin cấp phép xây dựng nhà cấp bốn nhưng chỉ được cấp phép xây dựng tạm. Xin hỏi việc cấp giấy phép xây dựng tạm được áp dụng đối với những trường hợp nào?
Trả lời:
Theo khoản 3 Điều 62 Luật Xây dựng thì khi xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch.
Cũng tại khoản 2, mục I, Thông tư số 09/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể như sau:
- Việc cấp phép xây dựng chỉ tạm áp dụng đối với những vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện;
- Tuỳ thuộc vào tình hình, đặc điểm của mỗi địa phương, mỗi khu vực, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng, quy mô công trình được phép xây dựng tạm cho phù hợp, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh, môi trường để làm và xác định thời gian có hiệu lực của Giấy phép xây dựng tạm thời.
- Trong nội dung của Giấy phép xây dựng tạm phải ghi rõ thời gian có hiệu lực của giấy phép. Hết thời hạn có hiệu lực của Giấy phép, nếu Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch thì chủ công trình xây dựng phải tự phá dỡ và được đền bù phần hiện trạng công trình đã có trước khi xây dựng theo Giấy phép xây dựng tạm, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chủ công trình xây dựng phải chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế.
Như vậy, khi gia đình ông (bà) xin phép xây dựng, Phòng Xây dựng quận sẽ căn cứ vào quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền duyệt, công bố và quy định của Uỷ ban nhân dân thành phố để xem xét và trả lời về việc khu đất ở của ông (bà) có nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng không để quyết định cấp giấy phép xây dựng hay giấy phép xây dựng tạm cùng các nội dung ghi trong giấy phép đó.
Luật sư Phạm Hùng Thắng - Đoàn LS Thanh Hoá
(Theo VNMedia)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet