Các nhà đầu tư bất động sản "đổ xô" vào Đà Nẵng
Chỉ tính đến tháng 5/2008, TP Đà Nẵng đã có không dưới 20 dự án đầu tư bất động sản (BĐS) du lịch trong và ngoài nước được cấp giấy phép với tổng số vốn lên đến gần 2 tỷ USD.
Mô hình dự án Square Capital (ảnh do VinaCapital cung cấp).
Năm 2004, tập đoàn Indochina Capital đặt chân đến Đà Nẵng và bắt đầu cho triển khai dự án khu phức hợp thương mại-dịch vụ văn phòng, căn hộ cho thuê cao cấp Indochina Riverside Towes (vốn đầu tư 30 triệu USD).
Sau thành công với dự án cao ốc nêu trên, Indochina Capital bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực BĐS du lịch, hàng loạt dự án được tập đoàn triển khai như The Nam Hải (60 triệu USD), sân golf Montgomerie Links (60 triệu USD) và mới nhất là dự án khu nghĩ dưỡng Hyatt Regency Danang Resor& Spa (100 triệu USD).
Theo ông Peter Ryder, Chủ tịch tập đoàn Indochina Capital, kế hoạch của Indochina Capital là sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Đà Nẵng và đây chưa phải là con số sau cùng bởi tiềm năng của Đà Nẵng vẫn còn rất lớn.
Không chịu thua Indochina Capital, tập đoàn VinaCapital cũng có những dự án quy mô không kém tại Đà Nẵng. Đầu tháng 1/2008, sau khi khởi công xây dựng dự án sân golf và khu du lịch biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn với vốn đầu tư lên tới 130 triệu USD, mới đây, VinaCapital lại tiếp tục khởi công tiếp dự án khu phức hợp thương mại Capital Square tại khu vực cầu sông Hàn. Dự án có tổng vốn đầu tư 325 triệu USD được xem là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đà Nẵng vào thời điểm này.
Ngoài ra, còn phải kể đến dự án khu đô thị lấn biển Đa Phước của tập đoàn Deawon (Hàn Quốc) với vốn đầu tư ở giai đoạn I là 250 triệu USD, khu phức hợp du lịch resort cao cấp của công ty An Lập - Singapore (276 trtiệu USD) tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô...
Đó là chưa kể tập đoàn Oak Tree (Mỹ) vừa mới làm việc với chính quyền TP Đà Nẵng đề nghị được đầu tư 5 tỷ USD cho dự án khu du lịch Sunrise, tập đoàn Damac (Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất) đăng ký đầu tư 1 tỷ USD cho một dự án resort ở Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn…
Vì sao là Đà Nẵng?
Trả lời câu hỏi này, ông Don Lam, Tổng Giám đốc tập đoàn VinaCapital cho biết, điều đầu tiên khiến cho các nhà đầu tư “đổ xô” đến Đà Nẵng là chính sách trải “thảm đỏ” của chính quyền thành phố. Theo ông Don Lam, khi tiếp xúc với bộ máy hành chính của thành phố, nhà đầu tư luôn nhận được sự giúp đỡ hết lòng của các cán bộ nhân viên ở đây, họ xem nhà đầu tư như là những người bạn thân thiết, và điều đó đã làm họ hài lòng.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư ở Đà Nẵng rất thông thoáng, hoàn toàn không có nạn “nhũng nhiễu” khách hàng. Các thủ tục hành chính được cải tiến theo một quy trình rất khoa học vừa nhanh gọn vừa hữu hiệu. Từ lúc giới thiệu dự án đến lúc nhận giấy phép, nhà đầu tư chỉ mất từ 1-2 tháng.
Điều thứ hai, là cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng khá hoàn chỉnh, Đà Nẵng có đủ 4 loại hình giao thông: Đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Đặc biệt sân bay quốc tế Đà Nẵng khi xây dựng xong không những kết nối thành phố với cả nước mà còn biến Đà Nẵng thành một cửa ngõ quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, sự có mặt của đường hầm Hải Vân cũng tạo điều kiện thuận lợi và an toàn hơn cho du khách. Họ tốn ít thời gian, chi phí hơn trong việc đi lại giữa Đà Nẵng-Huế và ngược lại.
Còn theo ông Peter Ryder, Chủ tịch tập đoàn Indochina Capital, một trong những lý do khiến Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là giá đất và nguồn nhân lực ở đây khá cạnh tranh. Giá thuê cao ốc văn phòng ở Đà Nẵng trung bình từ 30-40 USD/m2 (so với TPHCM từ 65- 70 USD /m2 thậm chí 100 USD/m2), trong khi giá thuê nhân công lại rẻ hơn từ 20-30% so với Hà Nội và TP.HCM.
Đó là chưa kể với dân số khoảng 900.000 người, chủ yếu là dân số trẻ, mức sống khá cao so với các tỉnh lân cận. Đà Nẵng được dự báo là một địa điểm hấp dẫn cho các nhà bán lẻ, các trung tâm, cơ sở y tế, giáo dục quốc tế.
Theo VTC News
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet