Cách tính m2 từng hạng mục công trình trong xây dựng
Tính m2 xây dựng được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Có thể để dự toán chi phí xây dựng hay để ước tính giá bán nhà. Chung quy lại, công thức tính luôn được vận dụng một cách linh hoạt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cụ thể bằng việc đưa ra cách tính m2 xây dựng nhà ở đạt chuẩn.
1. Tính mét vuông nhà ở khi xây dựng
Tính mét vuông như một khâu không thể thiếu đối với bất kỳ công trình nhà ở sắp thi công nào. Tính mét vuông công trình được thực hiện cho nhiều mục đích, có thể là dự toán chi phí ban đầu, tránh phát sinh về sau. Hoặc giúp cho phần việc thiết kế móng nhà, tim tường trở nên đơn giản, chính xác. Bên cạnh đó, nắm được cách tính m2 trong xây dựng dân dụng giúp gia chủ phần nào an tâm về những con số do nhà thầu đưa ra, từ đó sở hữu được một căn nhà không chỉ đúng ý mà còn tiết kiệm.
Tính m2 xây dựng là công việc cần thiết khi muốn dự toán chi phí xây nhà
Như vậy, bạn phải nắm được công thức tính m2 chính xác thì mới có thể tính toán chi phí sát thực tế nhất khi xây dựng. Thực tế, công việc này có phần phức tạp, đặc biệt đối với những người không chuyên. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư hay gia chủ đã tìm đến những đơn vị thiết kế và thi công nhà để sử dụng dịch vụ.
2. Cách tính m2 theo từng hạng mục cộng lại khi xây thô
Ngày nay, khi xây nhà, người ta thường tính diện tích theo mét vuông sàn. Song, để tính toán được khối lượng công việc, trước hết chúng ta cần chia công trình xây dựng ra làm nhiều phần. Sau đó quy đổi từng phần đó ra mét vuông. Khi đã ra được những con số cụ thể, thì dựa vào bảng báo giá của đơn vị thầu rồi nhân lên. Trong đó, cách tính mét vuông xây dựng từng phần (từng hạng mục) cụ thể như sau:
Tính m2 sàn xây dựng
Công thức tính m2 sàn xây dựng = chiều dài x chiều rộng.
Tuy nhiên, bạn phải làm phép tính cộng tổng diện tích tất cả các sàn xây dựng trong công trình thì mới ra được tổng m2 sàn.
Một ví dụ cụ thể để bạn có thể dễ dàng hình dung: Khu đất của bạn có diện tích sàn là 100m2 - sau khi đã áp dụng công thức dài x rộng. Tuy nhiên, công trình của bạn bao gồm thêm 1 tầng trệt và 2 tầng lầu. Như vậy tổng diện tích sàn ở đây phải bằng 100 x 3, kết quả là 300 mét vuông.
Dựa vào công thức cụ thể để tính toán diện tích từng hạng mục theo m2
Tính m2 cho phần móng nhà
Thiết kế móng nhà chính là hạng mục quan trọng nhất khi xây dựng công trình. Bởi đây là phần chịu lực chính cho toàn bộ những hạng mục bên trên. Tùy theo từng loại móng mà chúng ta có những cách tính mét vuông khác nhau. Hiện nay có ba loại móng chính. Đó là: móng cọc, móng băng và móng bè. Chi tiết như sau:
- Móng băng: Móng băng chính là loại thiết kế được hầu hết các công trình nhà ở sử dụng. Với loại móng này, tính bằng 50% diện tích của tầng trệt là chính xác.
- Móng cọc: Nếu dựa trên diện tích tầng trệt thì móng cọc sẽ được tính từ 20-40%, nhưng cũng còn tùy thuộc vào diện tích của đài móng. Đối với mỗi một thiết kế nhà, đơn vị thầu sẽ rà soát và làm phép tính để đưa ra kết quả chính xác hơn.
Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ khi thiết kế làm móng cọc. Bởi phần cọc có giá chuẩn khác nhau theo từng mét vuông nên cách tính 20% đến 40% diện tích này chưa bao gồm phần cọc.
- Móng bè: Móng bè thường được tính diện tích bằng 80% diện tích tầng trệt. Bởi thiết kế này thường được dàn đều trên mặt bằng nền.
Bên cạnh móng bè còn có móng cốc (hay còn gọi là móng đơn) sẽ được tính riêng. Loại móng này thường được thiết kế cho kiểu nhà cấp 4 nhỏ có mái tôn, hay các nhà xưởng có mái tôn.
Tính m2 cho phần hầm
Phần hầm là phần thiết kế sâu xuống dưới đất, thường được sử dụng để chứa đồ hay làm gara. Đặc biệt, phần này không bắt buộc khi xây nhà ở hay các công trình dân dụng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không phải nhà nào cũng có tầng hầm.
Tuy nhiên, khi tính tầng hầm (nếu có) người ta sẽ dựa vào độ sâu tính từ vỉa hè. Song, do phần này là phần có kết cấu chịu lực lớn, đồng thời phải đào sâu nên giá thành cũng khá cao. Cách tính m2 tầng hầm như sau:
- Bằng 150% diện tích tầng trệt tính với độ cao tầng hầm nhỏ hơn 1,3m.
- Bằng 170% diện tích tầng trệt khi có độ cao lớn hơn 1,3 và nhỏ hơn 1,7m. Bằng 200% diện tích tầng trệt với độ cao nhỏ hơn 2m và lớn hơn 1,7m.
- Bằng 250% diện tích của tầng trệt nếu độ cao lớn hơn 2m.
Tính m2 cho phần thân nhà
Để tính m2 cho phần thân nhà thì người ta thường chia thành 2 loại. Cụ thể như sau:
- Có mái che: Cách tính sẽ bao gồm mặt bằng sàn của tầng trệt, khu vực tầng lầu, tầng tum, sân thượng, tầng lửng (nếu có). Và bằng 100 % diện tích sàn mét vuông.
- Không có mái che: Đối với phần không có mái che (trừ đi khoảng sân trước và sân sau nếu có) thì sẽ được tính thêm 50% diện tích mét vuông sàn.
Tính m2 cho phần thân được chia thành 2 loại cụ thể
Tính diện tích cho phần mái (mái ngói hoặc các loại mái khác)
Cách tính diện tích phần mái tương tự như với phần móng. Bởi mỗi thiết kế nhà ở lại có một kiểu mái khác nhau. Hiện nay, phổ biến nhất là 5 loại mái với cách tính m2 như sau:
- Đối với thiết kế làm mái sân thượng hay gặp ở mẫu nhà ống và nhà phố, tính 30% mét vuông diện tích sàn xây dựng.
- Tính 50% diện tích sàn xây dựng đối với mái bê tông cốt thép
- Nếu nhà có sử dụng mái tôn thường thì tính 15%, còn nếu là tôn PU giả ngói sẽ là 30%. Cách tính này đã bao gồm phần tôn lợp hoàn chỉnh.
- Tính 70% diện tích mặt nghiêng với mái ngói sử dụng kèo sắt. Cách tính này đã bao gồm cả ngói và khung.
- Tính 100% diện tích mặt nghiêng với loại ngói bê tông cốt thép (cả hệ Lito và hệ lợp). Sở dĩ có cách tính này là do phía dưới mái bê tông cốt thép có tạo hình ở phía dưới.
3. Cách tính diện tích xây dựng cho các công trình phụ trợ
Bên cạnh các hạng mục trên thì còn có một số phần phụ trợ như sân trước và sân sau. Đối với phần này, tính 50% diện tích sàn mét vuông xây dựng nếu không có móng nhà. Ngược lại, nếu mô hình nhà dân dụng đó có móng nhà thì sẽ được tính bằng 70% diện tích sàn mét vuông xây dựng.
Ngoài ra, phần phụ phát sinh còn có các ô trống. Với các ô có diện tích bé hơn 8m2, tính bằng 100% diện tích mét vuông xây dựng. Ngược lại tính 50% diện tích xây dựng với các ô có diện tích lớn hơn 8m2.
Phần phát sinh cũng sẽ bao gồm trong đơn giá xây nhà như sân vườn, tiểu cảnh,... Tất cả đều có cách tính riêng tùy thuộc vào nhà thầu nhận xây dựng công trình.
Sân vườn, tiểu cảnh... cũng là phần chi phí phát sinh trong đơn giá xây dựng
4. Một số kiểu nhà và cách tính diện tích xây dựng tương ứng
Nắm được cách tính mét vuông giúp cho công việc tính toán chi phí xây dựng trở nên đơn giản, chính xác hơn so với cách tính theo phương pháp bóc tách hạng mục.
Cách tính m2 xây dựng cho nhà chữ L
Thông thường, tính diện tích sẽ được thực hiện bởi công thức chiều dài nhân chiều rộng. Tuy nhiên, đối với nhà có hình chữ L thì phép tính chưa thể dừng lại ở đó, mà phải thêm vài bước nữa.
Đầu tiên, cần phải chia căn nhà ra làm hai khối, đặt lần lượt số thứ tự khối một và khối hai. Sau đó tính lần lượt diện tích m2 khối 1 và khối 2 rồi cộng hai kết quả vừa nhân được sẽ ra diện tích m2 nhà chữ L.
Diện tích xây dựng = S khối 1 + S khối 2
- S khối 1 = dài khối 1 x rộng khối 1.
- S khối 2 = dài khối 2 x rộng khối 2.
Công thức tính m2 xây dựng cho nhà chéo
Với mẫu nhà kiểu chéo, bạn cũng không sử dụng công thức tính diện tích thông thường mà phải chia ra làm hai khối. Trong đó có một khối là hình vuông hoặc hình chữ nhật; khối còn lại sẽ là hình thang. Tiếp tục tính riêng 2 khối diện tích sau đó cộng vào.
Diện tích xây dựng = S1+ S2
Mẫu mặt bằng có sàn nhà chéo
Tính m2 xây dựng cho nhà kiểu tròn
Cách tính m2 nhà tròn sẽ không áp dụng như thông thường theo kiểu dài nhân rộng. Bởi mô hình nhà kiểu này còn có phần hình bán nguyệt tương đối phức tạp. Do vậy, cần nắm được công thức tính diện tích hình bán nguyệt thì mới có thể tính m2 xây dựng nhà tròn. tính diện tích từng khối, sau đó cộng dồn vào sẽ ra kết quả.
Diện tích xây dựng = S1 + S2 + S3
Trong đó diện tích của hình bán nguyệt (một trong 3 S) sẽ tính theo công thức: S = (π x r2) : 2
Tóm lại, với mỗi kiểu thiết kế sàn, bạn lại phải áp dụng những công thức tính khác nhau. Để ra được cách tính mét vuông xây dựng chính xác, bạn cần phải nắm được các công thức tính diện tích khối hình cơ bản, bao gồm hình vuông, hình chữ nhật, hình bán nguyệt, hình thang, tam giác,...
5. Lưu ý cách tính diện tích cho một số hạng mục khác
Trên đây là cách tính m2 cho các hạng mục phần thô khi xây dựng công trình dân dụng. Với các hạng mục hoàn thiện khác như lát đá cầu thang, tường nhà, chúng ta lại có cách tính khác nhau.
Cách tính m2 lát đá cầu thang
Để tính được m2 lát đá cầu thang, bạn cần tính được các diện tích sau: mặt bậc, cổ bậc, chiếu nghỉ, phần len chân tường.
Cách tính diện tích phòng
Phần việc này sẽ phục vụ cho quá trình lát nền hay lát tường trang trí phòng. Cách tính m2 phòng thông dụng nhất và cũng chính xác nhất là công thức chiều dài x chiều rộng. Công thức này cũng áp dụng cho cách tính diện tích đất ruộng.
Cách tính m2 không quá phức tạp đối với các mô hình nhà ở đơn giản
Ngoài ra còn có các công thức như cách tính m2 cửa, cách tính m2 tường nhà,... bạn có thể áp dụng trực tiếp công thức trên.
Hy vọng bài viết trên đã giúp các bạn nắm được cách tính m2 cho các hạng mục nhà ở trong xây dựng. Việc nắm vững các công thức này sẽ giúp gia chủ phần nào tính toán được mức kinh phí dự trù, so sánh đối chiếu với diện tích do phía nhà thầu cung cấp nhằm đánh giá khách quan, tiết kiệm ngân sách. Để cập nhật thêm những kiến thức xây dựng hữu ích khác, mời độc giả tiếp tục theo dõi các bài viết mới trên Batdongsan.com.vn.
NT
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet