Cận cảnh bức tranh tài chính doanh nghiệp bất động sản
Hàng tồn kho lớn, dừng hoạt động đầu tư mới, giãn tiến độ các dự án là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp bất động sản năm qua. Thế nhưng, vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận cao như Fideco, Vingroup, HAGL...
Fideco: Lãi lớn nhờ thoái vốn
Quý IV-2013, CTCP Ngoại thương và Phát triển đầu tư Tp.HCM (Fideco, mã FDC) ghi nhận con số lãi sau thuế lên tới 226,264 tỷ đồng trên doanh thu 168,726 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2013, Công ty ghi nhận doanh thu 244,3 tỷ đồng, lãi sau thuế 254,582 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 9.221 đồng. So với cùng kỳ năm 2012, lợi nhuận sau thuế của FDC tăng 8,41 lần.
Theo giải trình của Công ty, kết quả kinh doanh đột biến này đến từ việc trong quý IV-2013, Fideco cùng Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Chơn Thành (công ty 100% vốn của Fideco) thoái vốn tại CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư địa ốc Châu Lục (Fidecoland JSC).
Mặc dù tình hình kinh doanh cải thiện, nhưng nếu nhìn chi tiết hơn vào diễn biến hàng tồn kho của Fideco, thì diễn biến chung vẫn là… bất động. Cuối năm 2013, Fideco có số dư hàng tồn kho 150,415 tỷ đồng, là chi phí sản xuất dở dang tại 3 dự án, khi cập nhật tiến độ dự án chỉ có một dự án tăng nhẹ số dư là dự án Khu dân cư Cần Giờ, còn hai 2 dự án khác… bất động.
Vingroup: một năm thành công
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2013 cho thấy, cuối năm 2013, Tập đoàn Vingroup (mã VIC) có số dư hàng tồn kho hơn 15.910 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản để bán đang xây dựng (15.745 tỷ đồng). So với cuối năm 2012 là 17.784 tỷ đồng số dư hàng tồn kho, con số này giảm gần 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vingroup cũng có tới trên 8.803 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang, lớn nhất là chi phí cho Dự án Times City (gần 4.588 tỷ đồng), Dự án 56 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội (hơn 2.752 tỷ đồng), tăng gần 3.200 tỷ đồng so với năm 2012.
Với những số liệu này, Vingroup đang là đơn vị có số dư hàng tồn kho, chi phí sản xuất dở dang lớn nhất trong số các DN hoạt động trong lĩnh vự bất động sản Hà Nội.
Tuy nhiên, dù tồn kho lớn, quay vòng hàng tồn kho của Vingroup khá tích cực. Năm 2013, Vingroup bán VincomCenter A - Tp.HCM, dự án có số dư hàng tồn kho cuối năm 2012 là hơn 1.680 tỷ đồng - thương vụ góp phần mang lại lợi nhuận đột biến cho Tập đoàn vào quý II-2013 và cả năm 2013.
Dự án Royal City cũng được Tập đoàn hạch toán doanh thu vào kết quả kinh doanh của năm 2013, dẫn đến doanh thu mảng này tăng mạnh. Đồng thời, số dư hàng tồn kho, chi phí xây dựng dở dang của dự án này trong tổng cơ cấu tài sản của Vingroup sụt giảm; trong khi Dự án Times City được tăng tốc mạnh trong năm 2013.
Tất nhiên, nói như vậy không đồng nghĩa với việc, mọi tài sản của Vingroup đều vận động, quay vòng mạnh mẽ. Nhưng với những con số ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận năm 2013, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên 6.756 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm 2012, dòng tiền thu từ hoạt động kinh doanh dương gần 10.650 tỷ đồng, năm 2013 là năm thành công với Vingroup.
HAGL: Tái cơ cấu, lãi lớn và “nỗi lo” Myanmar
Năm 2013, công chúng đầu tư chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Tái cấu trúc toàn diện, với mục tiêu rút khỏi bất động sản trong nước, HAGL đã làm được một điều mà ít doanh nghiệp dám làm, là làm quyết liệt, rút mạnh mẽ khỏi thị trường này, bất kể lĩnh vực bất động sản đang có tín hiệu tích cực trở lại. Rút khỏi bất động sản, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, HAGL đã ghi nhận được kết quả kinh doanh thay đổi ấn tượng.
Năm 2013, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của HAGL đạt 901,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước đó là gần 350 tỷ đồng. So với số vốn điều lệ hơn 7.181 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 12.921 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trên không phải quá ấn tượng, nhưng là nỗ lực cần được ghi nhận của giai đoạn đầu sau tái cấu trúc.
Thế nhưng, như đã nói, HAGL vẫn chưa thoát hoàn toàn khỏi thị trường bất động sản. Dự án khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại Yangon, Myanmar là sự đặt cược lớn của Công ty trong lĩnh vực này. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ có mức đầu tư 200 triệu USD, thực hiện trong năm 2013 - 2014, nhưng hết năm 2013, số dư của dự án mới chỉ đạt 1.390 tỷ đồng.
Vẫn còn 1 năm để HAGL hoàn thành kế hoạch của mình, nhưng triển khai dự án tại Myanmar không dễ.
Giá đất rẻ, kinh nghiệm có sẵn, lại triển khai dự án ở vị trí đẹp của một thành phố đang lên tại một đất nước đang cởi mở hơn, dự án tất nhiên có nhiều cơ hội để phát huy hiệu quả. Nhưng, để có hiệu quả, trước hết phải triển khai được dự án và đây là thế khó mà HAGL đang gặp phải.
Một quốc gia với kỹ thuật chưa phát triển dẫn tới thiếu hụt nhân công bản địa có kinh nghiệm, một nền kinh tế mới vào giai đoạn đầu phát triển, sẽ có không ít thách thức về vốn, thủ tục huy đông vốn cũng như các nguồn nguyên vật liệu. Mọi thứ đều phải xin phép, thậm chí là… tạo tiền lệ, thủ tục chậm…, kèm các yếu tố khác khiến tiến độ triển khai dự án bị chậm, đẩy chi phí vốn lên cao là những điều mà HAGL đang phải đối mặt tại dự án nói trên.
Xem ra, cú đặt cược của HAGL vào dự án bất động sản này vẫn còn nhiều thách thức trong khi chờ đến ngày hái trái ngọt.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet