Căn hộ cũ ở Singapore vẫn có giá
Loại hình nhà ở tập thể do nhà nước xây dựng (HDB) là một phần của lịch sử Singapore. Nếu tại các quốc gia khác, nhiều khu nhà ở có lịch sử tồn tại hàng trăm năm thì tại quốc đảo còn non trẻ này, một khu nhà chung cư HDB chỉ 30 năm đã được xem là “cổ”. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do thời hạn sở hữu căn hộ HDB tại nước này chỉ có 99 năm trước khi nhà nước thu hồi.
Sau khi giành độc lập 50 năm, nhiều căn hộ cũ tại Singapore được xây bởi cơ quan phát triển nhà ở của thực dân Anh mang tên Singapore Improvement Trust (SIT), tiền thân của Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) đã được chính quyền đập bỏ để xây mới. Những năm trở lại đây, chính phủ Singapore đã tích cực triển khai chương trình đổi mới căn hộ và tái định cư (SERS).
Theo đó, tất cả các khu căn hộ được HDB xây với độ tuổi trên 30 năm đều được đập bỏ để xây mới cao hơn trên nền đất trước đây để có thể tối ưu hóa việc sử dụng đất. Nhờ những công trình mới này, người Singapore được ở trong những khu căn hộ mới hơn, cao hơn và cũng có nhiều tiện ích công cộng hơn. Tuy nhiên, những đặc trưng chỉ có ở các khu căn hộ HDB cũ trước vốn khá bình thường và phổ biến giờ đây lại trở thành hàng hiếm.
Một góc phố được cho là “cổ” nằm trong khu vực Tiong Bahru ở quốc đảo Singapore |
Chẳng hạn, những khu nhà được gọi là “point block” (4 căn hộ nằm ở 4 góc đối xứng trên một tầng) hoặc loại căn hộ maisonette (2 tầng) giờ không còn được HDB xây nữa, nhưng lại rất được người Singapore ưa chuộng vì có diện tích rộng rãi và có thể nhìn ra cảnh quan thoáng đãng xung quanh. Nhìn chung, kiểu căn hộ HDB cũ luôn có diện tích rộng rãi hơn và cho phép các thành viên trong gia đình được giao lưu thoải mái. Căn hộ cũ có phòng bếp có thể đặt cả bàn ăn trong khi những căn hộ mới dù mang tiếng là hiện đại nhưng không gian này chỉ đủ chỗ cho 2 người đứng.
Chính sự quý hiếm và tâm lý lưu luyến với quá khứ khiến những căn hộ cũ có giá trị mới cao hơn. Thông thường, các căn hộ sở hữu có thời hạn sẽ có giá giảm xuống cùng với thời gian, nhưng điều này đã không diễn ra với căn hộ HDB cũ.
Dựa trên số liệu tập hợp từ trang web của HDB từ 1/1/2012 đến 1/9/2015, các chuyên gia nhận xét, giá căn hộ tính theo m2 xây từ những năm 60 và 70 lại cao hơn so với loại căn hộ xây ở thời điểm gần hơn - thập niên 80 hay giữa 90. Bên cạnh các yếu tố mang tính lịch sử và văn hóa, thông thường các căn hộ cũ hay ở gần ga tàu điện và nhiều khu ẩm thực, quán xá, nhà hàng nổi tiếng. Tuy nhiên, việc sở hữu căn hộ HDB cũ cũng khá rủi ro vì có nguy cơ bị đập bỏ theo chương trình SERS như đã nói ở trên.
Người dân sở hữu căn hộ HDB dù được đền bù thỏa đáng theo mức thị trường hoặc được mua căn hộ mới theo giá ưu đãi của Chính phủ, nhưng nhiều người dân Singapore cho biết, căn hộ mới chuyển sang có diện tích nhỏ hơn. Nói cách khác, giờ đây nếu muốn ở căn hộ rộng như trước kia họ sẽ phải bỏ thêm tiền. Một điểm khác cần lưu ý là chính phủ Singapore có thể không đập bỏ căn hộ HDB để xây mới theo SERS nhưng sẽ lấy lại sau khi hết thời gian sở hữu 99 năm.
Các bất động sản cũng giống như thời trang, nó cũng có những chu kỳ. Với những người theo trường phái hiện đại hóa, những căn hộ có tuổi từ 20-30 năm có thể đã trở nên cũ và buồn chán. Thật vậy, nếu có dịp vào một khu chung cư này nhiều người sẽ chẳng có ấn tượng gì đặc biệt, thậm chí họ có thể bị sốc vì căn hộ không dưới nửa triệu USD mà sàn nhà đá hoa cương bị nứt còn kiến trúc thì rất đơn sơ.
Nhưng ngược lại, những người lớn tuổi và thậm chí một số người trẻ Singapore lại cho đó là sự khác biệt và họ chú trọng đến yếu tố lịch sử hơn, thậm chí hành trình lập quốc của đất nước cũng chỉ mới có trong một thời gian khá ngắn. Nhìn chung, các chuyên gia bất động sản cho rằng, nếu một quốc gia biết cách gìn giữ những tòa nhà mang tính lịch sử và thoát khỏi tâm lý phải phát triển bằng mọi giá thì giá trị căn hộ cũ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet