Câu chuyện lãng phí đất ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp (Kỳ 1)
Việc hình thành các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên cả nước trong những năm qua đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng thực trạng các tỉnh, thành “đua nhau” xây dựng KCN, CCN diễn ra như hiện nay cũng đang gây ra tình trạng lãng phí, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống của người dân bị giải tỏa.
Trong thời điểm “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay, tại một số địa phương có không ít KCN, CCN sau khi thu hồi đất của người dân thực hiện dự án nhưng chậm triển khai hoặc đã hoàn thành nhưng không có nhà đầu tư (NĐT) thuê, đang rơi vào cảnh “vườn không, nhà trống”.
Đất bỏ hoang, cỏ mọc nên người dân lân cận hàng ngày vào KCN Đông Nam, huyện Củ Chi, Tp.HCM cắt cỏ về cho bò ăn. |
Khu công nghiệp... thả bò, trồng sắn
Một ngày cuối năm 2013, sau khi vượt qua quãng đường hơn 60km, chúng tôi tìm về KCN Rạch Bắp thuộc xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có diện tích quy hoạch 278ha. Hiện tại, KCN này đã đền bù giải tỏa xong và hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường hoàn chỉnh, khang trang nhưng đến nay chỉ có 6 nhà xưởng hoạt động nằm rải rác, đa số diện tích đất còn trống được dùng trồng sắn với những lùm cây cao hơn đầu người.
KCN Rạch Bắp - An Điền thuộc xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương sau nhiều năm hình thành nhưng chỉ có 6 doanh nghiệp vào đầu tư. |
Còn KCN Đồng An 2 thuộc phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, rộng 205ha nhưng chỉ có 30 doanh nghiệp (DN) hoạt động với diện tích cho thuê 55ha. Còn nhiều đất bỏ trống nên hàng ngày người dân đem bò vào thả nhếch nhác và dơ bẩn. Tại đây, Ban Quản lý KCN Đồng An 2 phải đặt biển cấm với nội dung “Cấm chăn thả gia súc trong đất KCN Đồng An 2, ai vi phạm sẽ bị giữ trâu, bò và xử phạt theo quy định”. Một số KCN như Kim Huy, Việt R.E.M.A.X… cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
KCN Viet R.E.M.A.X thuộc TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương sau nhiều năm hình thành vẫn còn hoang vắng. |
KCN Nhơn Trạch 6 thuộc xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, KCN Nhơn Trạch 6 có tổng diện tích 315ha, nằm ở vị trí hết sức thuận lợi trong việc kết nối hạ tầng với các vùng phụ cận, đặc biệt là các cảng biển sẽ giúp NĐT tiết kiệm được chi phí cũng như thời gian vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa khi đầu tư vào KCN nhưng đang được người dân thuê lại để trồng sắn. Nằm cạnh KCN Nhơn Trạch 6 là các KCN Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, Nhơn Trạch 3 mở rộng vẫn còn nhiều diện tích đất bỏ trống.
Tại Tp.HCM, dù được đánh giá là một trong những địa phương có thế mạnh về thu hút đầu tư vào các KCX-KCN. Thế nhưng, hiện nay một số KCN sau khi xây dựng vẫn rất ít NĐT thuê hoạt động. Đơn cử, tại các KCN Đông Nam, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), dù hệ thống cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng số lượng NĐT thuê đất xây dựng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tại đây, nhiều diện tích đất còn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm nên hàng ngày người dân chạy xe vào cắt cỏ về cho bò ăn. Riêng một số khu vực triển khai xây dựng còn bỏ trống nên người dân tranh thủ dắt bò ra thả.
Thất nghiệp nhiều ruộng bỏ hoang
Để thực hiện việc xây dựng KCN, CCN các tỉnh, thành phải thu hồi một lượng lớn đất đai của người dân, trong đó đa phần là đất sản xuất canh tác. Điều đáng nói, nhiều diện tích đất sau khi bị thu hồi lại chậm triển khai hoặc xây dựng xong nhưng không có NĐT thuê, dẫn đến tình trạng bỏ hoang lãng phí.
KCN Nhơn Trạch VI, Đồng Nai sau nhiều năm quy hoạch vẫn còn là bãi đất trống. |
Một người bán tạp hóa gần KCN Nhơn Trạch 6 bức xúc: “Đất thu hồi của người dân đã gần 10 năm nay nhưng không thấy triển khai. Mỗi khi họp dân, chúng tôi phản ánh thì được bảo là sắp triển khai nhưng rồi chẳng thấy gì”. Một người dân ở cạnh KCN Rạch Bắp thuộc xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, than vãn: “Dù không có đất bị thu hồi làm KCN nhưng lại bị vướng giải tỏa làm đường kết nối hàng rào với KCN. Thế nhưng, nhiều năm nay dự án không triển khai, cây cao su trồng lên bị chặt, chúng tôi chịu thiệt thòi rất lớn”.
Còn ông Võ Hồng Thái, ngụ ấp 2, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, Tp.HCM, nhà cạnh KCN Đông Nam, cho biết: “Năm 2005, gia đình tôi bị thu hồi 2.500m² để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do giá đền bù giải tỏa đất thấp, đất ruộng 94.000 đồng/m²; đất gần đường lộ, đất vườn 130.000 đồng/m² nên em tôi có nhà bị giải tỏa, khi nhận tiền đền bù đi mua chỗ khác không đủ”.
Một cán bộ ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, có đất bị giải tỏa thực hiện dự án CCN Cơ khí ô tô Tp.HCM, bức xúc: Khi thu hồi đất thực hiện dự án, chính quyền địa phương hứa sẽ ưu tiên cho người dân sở tại làm việc khi dự án hoàn thành, nhưng hơn 5 năm qua, đất canh tác của người dân đã bị thu hồi còn dự án chẳng thấy đâu, một số con em phải đi làm công nhân, làm thuê ở xứ khác.
“Hồi xưa với 1ha đất nếu gặp thời tiết thuận lợi làm 2 vụ lúa và 1 vụ màu, cả hai vợ chồng và 8 đứa con có lúa ăn quanh năm không hết, nông dân nhờ ruộng mà sống. Nhưng kể từ ngày nhà nước thu hồi đất thực hiện quy hoạch dự án, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, lúa làm ra không đủ ăn do đất bị thu hẹp thế mà đất thu hồi đã nhiều năm nay lại bỏ hoang, uổng quá!” – cán bộ này tiếc rẻ.
Ngoài việc người dân không có đất canh tác, tình trạng KCN, CCN bỏ hoang còn là nỗi lo của nhiều người dân xung quanh vì đất đai rộng, cây cỏ um tùm, lực lượng bảo vệ mỏng nên vô hình trung trở thành nơi tụ tập của nhóm thanh niên thất nghiệp, hư hỏng. Một cán bộ mặt trận ấp ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, phản ánh: “Do đất bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm nên con nghiện khắp nơi tụ tập về hút chích ma túy công khai, vứt kim tiêm khắp nơi, gây mất trật tự an toàn cho người dân”.
Theo một chuyên gia kinh tế, 1ha đất sạch giao cho NĐT với chi phí bình quân từ 3,5 đến 4 tỷ đồng. Với hàng chục ngàn hécta đất KCN, CCN đang bị bỏ hoang, số tiền lãng phí lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, đời sống người dân thuộc KCN, CCN “treo” còn gặp nhiều khó khăn khác.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet