Chán căn hộ trung tâm, nhà đầu tư chuộng biệt thự, nhà phố ven Sài Gòn
Tỷ suất sinh lợi cao hơn dù cùng một lượng vốn đầu tư tương đương là lý do khiến giới đầu tư bất động sản (BĐS) chuyển từ sở hữu căn hộ, nhà lẻ trung tâm sang nhà phố/biệt thự ngoại thành.
Căn hộ trung tâm đắt ngang biệt thự ngoại thành
Bà Lương Thìn, một hộ buôn bán sống gần 30 năm tại trung tâm quận 1 cho biết vừa rao bán lại căn nhà ở đây để chuyển ra mua một căn biệt thự trong KĐT tại cửa ngõ Đông Bắc, quận Thủ Đức, TP.HCM. Theo vị khách hàng này, căn nhà ở quận 1 rất thuận tiện để buôn bán, nhưng để sinh sống 3 thế hệ thì chật chội, ồn ào. Hiện nay, tài chính gia đình khá giả nên không cần phải bám vào mặt bằng quận 1 để cho thuê hay kinh doanh nữa, bà Thìn lại không thích sống trong nội thành xô bồ, các cháu không có chỗ chơi nên quyết định tìm nơi ở mới rộng rãi và thông thoáng hơn.
Không chỉ những khách hàng có nhu cầu ở mà cả giới đầu tư cũng đang có xu hướng săn biệt thự, nhà phố ngoại thành. Bởi chi phí đầu tư một căn hộ, nhà lẻ tại trung tâm đắt ngang ngửa, thậm chí đắt hơn cả biệt thự thênh thang ngoại thành, trong khi biên độ tăng giá và lợi nhuận của phân khúc này kém hơn biệt thự.
Căn hộ trung tâm Sài Gòn đã nằm trong vùng giá đỉnh. Ảnh minh họa
Ông Võ Thành Công, một nhà đầu tư tại quận 3, TP.HCM nhìn nhận, cạnh tranh gắt gao khiến biên độ tăng giá các dự án chung cư trung tâm vào khoảng 25-30%/năm. Ngược lại, nhà phố, biệt thự đang khan hiếm nguồn hàng, gần như không có cạnh tranh trong bán ra, cạnh tranh thứ cấp rất thấp nên biên độ tăng giá có thể đạt từ 40-50%, thậm chí biệt thự trong các KĐT khép kín còn có biên độ tăng cao hơn nữa trong 1 năm.
Thị trường TP.HCM đang bắt đầu xuất hiện làn sóng dịch chuyển từ việc lựa chọn chung cư, nhà lẻ nội thành sang các dự án có sản phẩm liền thổ ở các quận ngoại thành. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, xu hướng sở hữu nhà ở của người mua đang thay đổi là tiền đề cho sự chuyển dịch. Trong khi người trẻ có xu hướng thích ở gần trung tâm thì những người đã có tuổi, giới nhà giàu chỉ muốn tìm một khu vực không gian tốt để sinh sống.
“Giá trị đất tăng mạnh sau những cơn sốt đất trong 3 năm gần đây khiến căn hộ trung tâm TP.HCM đắt ngang thậm chí đắt hơn với nhà phố và biệt thự ngoại thành. Từ cuối năm 2018, căn hộ cao cấp TP.HCM tiệm cận giá 5.000-12.000 USD/m2. Điều này khiến sự chênh lệch giữa nhà liền thổ ngoại thành và căn hộ không còn lớn, người Việt vốn thích đất nền nên việc chuyển hướng sang nhà liền thổ là dễ hiểu”, ông Đỗ Đức Sơn, môi giới nhà đất tại quận 1 cho biết.
BĐS liền thổ ngày càng khó sở hữu
Theo bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Phúc Land, nếu trước đây nhà trung tâm đắt khách vì nhiều người sợ đi xa thiếu tiện ích, thiếu dịch vụ và di chuyển về nội thành khó khăn thì nay đó không còn là vấn đề ở TP.HCM. Không chỉ hạ tầng giao thông nội – ngoại thành ngày càng nâng cao, sự xuất hiện các KĐT quy mô lớn tại vùng ven thành phố tích hợp đầy đủ dịch vụ sống đã giải quyết hầu hết các vướng mắc trước đây. Ô nhiễm và tốc độ đô thị hóa cũng là nhân tố thúc đẩy sự dịch chuyển tự nội thành về các khu đô thị ngoại thành, nơi vẫn còn lợi thế sống xanh. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM luôn nằm trong tình trạng báo động "đỏ" về ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung. Vì thế, các khu đô thị theo mô hình tổ hợp nhiều tiện ích, giàu tính sinh thái hướng tới phát triển bền vững ngày càng được ưa chuộng.
Nhà phố, biệt thự vùng ven Sài Gòn được giới đầu tư ưa chuộng. Ảnh minh họa
Biệt thự, nhà phố giờ đây đang là kênh đầu tư vua nhưng để kiếm lời ở phân khúc này không dễ. Với giới tài chính khá giả, đòi hỏi về chất lượng và không gian sống rất cao, chỉ những dự án có diện tích đủ lớn để phát triển các công trình công cộng, mặt nước và cây xanh, hệ thống trường học, bệnh viện… mới được dân đầu tư ưa chuộng.
Hơn nữa, sở hữu BĐS liền thổ ngày càng khó khăn, nhất là tại TP.HCM, nơi nguồn cung liên tục suy giảm. Tính riêng nửa đầu 2019, TP.HCM có thêm 18.000 căn hộ, nhưng chỉ có chưa đến 300 căn nhà phố, biệt thự. Biệt thự, nhà phố sinh thái trong các KĐT lại càng khan hiếm. Được biết từ đầu năm, chỉ có duy nhất một KĐT có hàng chào bán nhưng cạnh tranh mua rất cao, hiện chỉ còn không đến 15% nguồn hàng sơ cấp giao dịch.
TP.HCM hiện có khoảng 5-6 KĐT khép kín hiếm hoi phát triển sản phẩm biệt thự, nhà phố gồm KĐT Vạn Phúc City (Thủ Đức), KĐT Sala (quận 2), Phú Mỹ Hưng (quận 7), Vinhome Grand Park (quận 9)… Trong số đó chỉ còn 2 dự án có nguồn hàng sơ cấp chào bán. Tuy nhiên cả 2 dự án này đều chưa có kế hoạch bán tiếp trong năm nay.
Khan hiếm nguồn cung khiến người mua không có nhiều lựa chọn, dòng sản phẩm biệt thự ngoại thành được đánh giá nhiều cửa sáng nhất trong các năm tiếp theo.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet