Chất lượng cơ sở lưu trú - thách thức lớn của BĐS nghỉ dưỡng
Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc bùng nổ mạnh về nguồn cung và giao dịch trong những năm gần đây. Trên tiến trình phát triển đó, phân khúc này cũng đang bộc lộ những bất cập nhất định. Trong đó, đáng chú ý là các cơ sở lưu trú tại các thị trường nghỉ dưỡng lớn của Việt Nam đang hụt hơi trong cuộc đua với nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Thiếu hụt cơ sở lưu trú chất lượng cao
Những năm gần đây, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh – những thị trường nghỉ dưỡng trọng điểm chứng kiến sự bùng nổ về lượng khách du lịch. Nguồn khách này không chỉ gia tăng về lượng mà còn có những chuyển biến về chất.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, một thế hệ khách du lịch mới đang hình thành. Họ có những nhu cầu cá biệt hóa và đòi hỏi sự đa dạng trong trải nghiệm. Thế hệ du khách mới tất yếu tác động đến sự phát triển của các mô hình lưu trú.
“Khách du lịch đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Thời gian lưu trú của họ sẽ dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị và ngược lại. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư bất động sản du lịch cần chú trọng phát triển loại hình lưu trú phù hợp cũng như các loại hình hoạt động và trải nghiệm du lịch”, ông Siêu nhấn mạnh.
Tuy nhiên trên thực tế, dù phát triển mạnh mẽ nhưng bất động sản nghỉ dưỡng tại những thị trường trọng điểm đang thiếu trầm trọng nguồn cung lưu trú chất lượng cao – yếu tố quan trọng quyết định đến trải nghiệm của khách hàng.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong 2 tháng đầu năm 2019, Khánh Hòa đón hơn 1 triệu lượt khách lưu trú du lịch, tăng hơn 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó khách nội địa hơn 474.000 lượt, khách quốc tế hơn 584.000 lượt, tăng hơn 121% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 750 cơ sở lưu trú du lịch với 39.400 phòng, trong đó, cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao mới chiếm 50,8%. Với tốc độ phát triển này, theo các chuyên gia, các cơ sở lưu trú cao cấp tại Khánh Hòa chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Dù phát triển mạnh mẽ nhưng bất động sản nghỉ dưỡng tại những thị trường trọng
điểm đang thiếu trầm trọng nguồn cung lưu trú chất lượng cao.
Số liệu từ Sở Du lịch Kiên Giang cho thấy, tính lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2018, Phú Quốc đón hơn 3,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế tăng hơn 72%. Doanh thu từ du lịch của Phú Quốc cán mốc mới với 5.183 tỷ đồng, vượt 47% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn cung lưu trú chất lượng cao tại huyện đảo này đang rất hạn chế. Phú Quốc hiện có hơn 12.000 phòng lưu trú, trong đó chỉ có khoảng 10 khách sạn 3-4 sao và khoảng 5 khách sạn 5 sao.
Hay tại Quảng Ninh – một thị trường nghỉ dưỡng lớn của phía Bắc cũng đang diễn ra hiện trạng thiếu hụt cơ sở lưu trú chất lượng cao. Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, năm 2018, tổng lượng khách du lịch đạt 12,2 triệu lượt, tăng 24% so với năm 2017, trong đó, khách quốc tế là 5,2 triệu lượt, đạt 105% kế hoạch, tăng 22,1% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch đạt 23,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1%, chiếm 9% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh Quảng Ninh. Thế nhưng, tính đến tháng 6/2018, Quảng Ninh có khoảng 1.304 cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng với 20.564 phòng. Trong tổng số này, chỉ có 46 khách sạn và khu căn hộ đạt chuẩn 3-5 sao với 5.674 phòng, chiếm khoảng 27%. Thị trường Quảng Ninh vẫn là sự góp mặt chủ đạo của nhà nghỉ, khách sạn 1-2 sao. Số lượng cơ sở lưu trú cao cấp đang quá ít so với lượng khách du lịch khổng lồ đổ về đây hàng năm.
Những thay đổi đầu tiên
Theo dự báo của Savills, giai đoạn 2019-2012, các thị trường du lịch trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… sẽ đón thêm 45.600 phòng được đưa vào hoạt động. Nguồn cung này sẽ mang đến một áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các dự án tiêu chuẩn truyền thống và quy mô lớn đã hình thành trước đó. Một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai là sự sụt giảm công suất buồng phòng ở những thị trường này và tỉ lệ khách quay trở lại không cao.
Một số địa phương đã có những thay đổi về chính sách nhằm thích ứng
với tình hình mới của thị trường nghỉ dưỡng.
Trong bối cảnh đó, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng những sản phẩm nghỉ dưỡng chú trọng trải nghiệm sẽ ít bị ảnh hưởng bởi lượng nguồn cung đại trà so với các dự án thông thường. Những dự án khách sạn hay resort được định vị tốt với thiết kế ấn tượng, ẩm thực chất lượng, tiện ích và dịch vụ độc đáo sẽ có giá phòng và công suất hoạt động tốt hơn những sản phẩm tiêu chuẩn.
Trước những diễn biến trên, một số địa phương đã có những thay đổi nhằm thích ứng với tình hình mới. Đơn cử, mới đây, Khánh Hòa đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành du lịch, mở rộng không gian du lịch ra các vùng lân cận và tăng cường các mô hình nghỉ dưỡng, du lịch độc đáo. Đáng chú ý, Bãi Dài được lựa chọn như một điểm đến sáng giá nhất, tạo nên cuộc chuyển mình quy mô với sự đổ bộ của hàng loạt ông lớn bất động sản như Vingroup, Hưng Thịnh, Eurowindow, Novaland…
Tại Kiên Giang, Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc tập trung vốn đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành những công trình hạ tầng trọng điểm; quyết liệt xử lý vướng mắc việc tranh chấp, bồi thường, giải tỏa, tái định cư để có “đất sạch” cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án nhằm tạo tiền đề cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cất cánh. Những chiến lược dài hạn nhằm đa dạng sản phẩm, dịch vụ lưu trú, vui chơi, mua sắm… tại các điểm đến được tỉnh ủng hộ và tạo điều kiện tối đa. Chính bởi vậy, Phú Quốc đang là điểm đến hấp dẫn của các "ông lớn" chuyên về đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng với những tên tuổi đình đám như VinGroup, SunGroup, CEO Group, Bim Group…
Tại Ninh Thuận, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay với mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đứng thứ 2 sau năng lượng sạch, tỉnh dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại Ninh Thuận. Đặc biệt, trong phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, Ninh Thuận theo đuổi chiến lược du lịch cao cấp. Việc đầu tư xây dựng các villa, khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; khách sạn tiêu chuẩn quốc tế; các loại hình du lịch câu lạc bộ du thuyền, thể thao trên biển; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái và du lịch văn hóa đặc biệt được chú trọng.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành phát triển du lịch khác. Có thể nói, việc các địa phương và các chủ đầu tư có những chuyển biến mới trong phát triển nghỉ dưỡng cho thấy các bên đang có nghiên cứu kỹ về thị trường du lịch, thị trường bất động sản và đặc điểm, tính chất của khách hàng. Thực tế này hứa hẹn thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ có những bước tiến bền vững hơn trong tương lai.
An An
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet