"Chỉ có 750 tổ chức, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam"
Đây là con số mà Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo gửi Ủy ban đối ngoại Quốc hội mới đây về thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.
Con số trên cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về tính chính xác và tình trạng có nhiều trường hợp người nước ngoài núp bóng cá nhân trong nước để mua nhà tại Việt Nam.
Đưa ra thông tin về người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, sau khi Luật nhà ở 2014 có hiệu lực, đến thời điểm này đã có khoảng 750 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Số lượng này được Bộ ghi nhận từ 12 địa phương, gồm: Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Bộ cũng xác nhận rằng các tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đều thực hiện nghiêm túc các quy định về xuất nhập cảnh và lưu trú, sở hữu nhà đất, mua bán chuyển nhượng nhà ở, nộp thuế.
Theo một báo cáo mà CBRE Việt Nam công bố mới đây, số người nước ngoài
mua nhà tại Tp.HCM tăng đột biến. Ảnh: Tư liệu
Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 400.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc. Con số này vẫn tiếp tục tăng khi sắp tới Việt Nam mở rộng hội nhập kinh tế, cùng với đó là sự gia tăng về nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài.
Mặc dù trong quy định của Luật nhà ở 2014 có cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, nhưng số lượng chưa nhiều. Một nguyên nhân chính là do họ không được phổ biến thông tin đầy đủ về các quy định pháp luật liên quan để thực hiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Bởi lẽ, các quy định pháp luật về việc sở hữu nhà ở cho người nước ngoài được quy định lẻ tẻ trong nhiều luật, mỗi bộ, ngành lại phụ trách một lĩnh vực và không có hướng dẫn cụ thể. Đây chính là những rào cản khiến người nước ngoài khó tiếp cận thông tin mua nhà.
Cụ thể, các quy định người nước ngoài được mua những gì do Bộ Tài nguyên - Môi trường quản lý; quy định đối tượng nào được mua, mua sản phẩm nào do Bộ Xây dựng xem xét; visa lại do Bộ Công an quản lý và phải có visa mới được mua nhà; Bộ Tài chính quản lý thuế; còn Ngân hàng Nhà nước quản lý chuyển tiền ra nước ngoài.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet