Chính phủ đề xuất ba siêu dự án hơn 66 tỷ USD
Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội xem xét một số dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm đường bộ cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc Nam... Tổng mức đầu tư ban đầu ước tính hơn 66 tỷ USD
Một trong những dự án nổi bật Chính phủ đề xuất là đường bộ cao tốc Bắc Nam. Theo Đề án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, đoạn Thành phố Hà Nội - Tp.HCM, tuyến có tổng chiều dài 1.373km, quy mô 4 đến 6 làn xe, chia làm 20 dự án thành phần.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 229.826 tỷ đồng, tương đường hơn 10 tỷ USD, bao gồm: huy động tư nhân 136.282 tỷ đồng; vốn tham gia của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng, tư vấn, xây lắp, dự phòng là 93.543 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Bắc Nam có vốn đầu tư rất lớn. Ảnh minh họa: L. Bằng
Trên cơ sở tiến độ của các dự án thành phần, dự kiến kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2022 để bố trí cho dự án như sau: năm 2017: 8.458 tỷ đồng; năm 2018: 16.559 tỷ đồng; năm 2019: 26.988 tỷ đồng; năm 2020: 22.688 tỷ đồng; năm 2021: 14.067 tỷ đồng; năm 2022: 4.784 tỷ đồng.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến sử dụng 70.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ làm phần vốn góp nhà nước để huy động các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư hoàn thành dự án cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông.
Các dự án khác cũng đã được bàn thảo từ lâu và được Chính phủ đề xuất đầu tư là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo quy hoạch đề ra, Sân bay Long Thành có quy mô 100 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16.3 tỷ USD. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.9 tỷ USD, đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1.2 triệu tấn hàng hóa/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Vốn ngân sách nhà nước (giải phóng mặt bằng, xây dựng nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, đài chỉ huy, giao thông kết nối khu vực cảng...) cho giai đoạn 1 này là 21.886 tỷ đồng, trong đó phần lớn là dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Đến giai đoạn 2 từ 2021 - 2030, sẽ huy động nguồn vốn để xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ; mua sắm trang thiết bị phục vụ bay... khoảng 38 nghìn tỷ đồng theo cơ chế cho vay lại. Chính phủ Nhật Bản đang quan tâm tài trợ ODA. Đồng thời huy động vốn tư nhân để xây dựng nhà ga hành khách, nhà ga hàng hoá... là 54.726 tỷ đồng.
Dự án thứ 3 được nhắc đến là Đường sắt cao tốc Bắc Nam. Với dự án này, Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020 chủ yếu tập trung lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực theo quy định để thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2030 và hoàn thành vào năm 2050. Hiện nay Nhật Bản và Hàn Quốc đang quan tâm hỗ trợ cho một số đoạn như Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang.
Hạ tầng cung cấp điện giai đoạn tới cũng cần một nguồn lực rất lớn. Cụ thể tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 858.660 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD, trung bình 7.9 tỷ USD/năm). Trong đó 75% cho đầu tư phát triển nguồn điện; 25% cho đầu tư phát triển lưới điện.
Cơ cấu nguồn vốn bao gồm: Vốn đầu tư nước ngoài khoảng 100.000 tỷ đồng; Vốn vay ODA khoảng 200.000 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng (đầu tư cấp điện nông thôn), vốn chủ đầu tư và vốn vay thương mại khoảng 554.660 tỷ đồng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet