Chính phủ đề xuất bỏ thu hồi đất cho dự án phát triển KT-XH
Sau hai tháng lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được trình ra Thường vụ QH trong phiên họp ngày 17/4 với nhiều chỉnh lý quan trọng.
Như bỏ quy định thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), quy định rõ hơn cơ chế thỏa thuận bồi thường giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất…
Tuy nhiên, do nhiều quy định “vướng” Hiến pháp nên nhiều ý kiến đề nghị lùi thời gian thông qua dự luật này cho phù hợp thay vì thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 tới như kế hoạch.
Chính phủ đề xuất bỏ, Thường vụ QH lại băn khoăn
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, với việc bỏ quy định thu hồi đất các dự án phát triển KT-XH thì tới đây nếu luật được thông qua, Nhà nước sẽ chỉ thu hồi đất cho các dự án sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đồng thời, nhiều dự án trước đây xếp vào nhóm các dự án phát triển KT-XH sẽ được chuyển sang nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đó là các dự án như: xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; dự án xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn; dự án nhà ở tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)… Để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, việc thu hồi đất cho các dự án này phải tuân thủ cơ chế là được QH, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh thông qua.
Việc bỏ quy định thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội còn có những ý kiến khác nhau. Trong ảnh: Thu hồi đất thi công cơ sở hạ tầng một dự án nhà ở tại Tp.HCM. |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định nhu cầu thực hiện các dự án phát triển KT-XH của nước ta là rất lớn. “Khi làm dự án thì khó phân biệt được lợi ích xã hội, lợi ích kinh tế. Bởi doanh nghiệp làm ra lợi nhuận cũng phải nộp thuế, giải quyết công ăn việc làm thì những cái đó cũng là tạo ra lợi ích xã hội. Do đó, việc bỏ quy định Nhà nước không thu hồi đất cho các dự án phát triển KT-XH cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn” - ông Hiển nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng không nên đặt vấn đề là không thu hồi các dự án phát triển KT-XH. Bởi trong nhóm các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng cũng có nhiều dự án kinh tế. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì đề nghị việc chuyển các dự án KT-XH sang dự án vì lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, lợi ích an ninh quốc phòng cần phải được giải thích rõ ràng chứ bỏ hẳn ra khỏi dự luật mà không đề cập rõ thì chưa ổn.
Thỏa thuận không xong thì phải cưỡng chế
Một nội dung khác cũng gây ra nhiều ý kiến băn khoăn là đối với các dự án phát triển KT-XH khác không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì sẽ xử lý ra sao nếu giữa chủ đầu tư không thỏa thuận được với toàn bộ những người sử dụng đất. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân có khá nhiều ý kiến đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp này. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị khi xảy ra các trường hợp trên thì trước hết cần phải làm rõ nguyên nhân, vướng mắc do đâu.
“Nếu nguyên nhân do nhà đầu tư và người sử dụng đất không thống nhất về giá bồi thường thì áp dụng cơ chế tư vấn giá đất độc lập để xác định giá đất. Còn nếu vướng mắc do người dân không chấp nhận bị thu hồi đất thì cần có sự tham gia của chính quyền địa phương để giải quyết trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân có đất, nhà đầu tư và việc thực hiện quy hoạch” - ông Giàu nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, dự thảo chưa làm rõ được vấn đề trên. “Nếu doanh nghiệp và người dân không thỏa thuận được thì Nhà nước có can thiệp cưỡng chế không, cái đó chúng ta cần phải làm rõ. Nếu chưa làm rõ thì những vấn đề trên khó mà giải quyết được” - ông nói.
Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng về lý thì bắt buộc doanh nghiệp phải thỏa thuận và nhận được sự đồng ý của toàn bộ người dân. Nhưng thực tế, có những dự án 95% người dân đồng tình rồi và chỉ còn 5% số hộ dân không đồng ý. “Theo tôi, trong trường hợp này, sau khi đã dùng tất cả biện pháp mà pháp luật quy định như kiểm tra, mời tư vấn giá độc lập, tuyên truyền, giải thích… mà người dân vẫn không đồng ý thì bắt buộc phải cưỡng chế” - ông Lưu kiến nghị.
Được chọn công chứng hoặc chứng thực Thảo luận về quy định công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, cả đại diện Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật đều cho rằng việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất góp phần bảo đảm an toàn cho các giao dịch này, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Do vậy, cần quy định theo hướng cho phép người sử dụng đất khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất được lựa chọn thủ tục công chứng tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã nơi có đất. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet