Chú ý phong thủy khi dọn nhà đón Tết
Truyền thống người Việt ta xưa nay đến dịp cuối năm cũ đầu năm mới nhà nhà đều nô nức đón tết, nhiều thì trang hoàng rực rỡ, ít thì cũng dọn dẹp tươm tất, bày biện tươi tắn. Nhiều gia đình còn vội vàng chuyển nhà mới trước khi đến tết.
Làm đẹp cho nhà cửa cuối năm khá đa dạng và do đó cũng cần có một vài lưu ý để tránh làm sai lệch về không gian cũng như phong thủy, giảm tốn kém và gây mệt mỏi.
Lưu ý các khoảng trống và trung cung
Đa số mọi người hay chưng đồ trong tủ, đặt đồ đạc bám dọc tường nhà, đặt thành cặp, bố trí đối xứng trên các bức tường phòng khách mà quên phần trung cung, thường là những khu vực đi lại, khoảng trống giữa các phòng, giếng trời hay trục cầu thang. Chính những vùng không sinh hoạt thường xuyên này lại là điểm thu hút sinh khí và dẫn dắt tầm nhìn cho nội thất tươi mới.
Do đó, nên dọn sạch gầm thang, tăng cường chiếu sáng và có thể đặt thêm vật dụng trang trí như tượng đá, chậu hoa nhỏ cho các khu vực này. Đối với căn hộ chung cư, Trung Cung thường là phần giao điểm qua lại các phòng, tạo điểm nhấn như dùng thảm hoặc tranh ảnh, bình gốm (thuộc thổ, có tính trung hòa) chậu cây cảnh bề thế… cũng là biện pháp tốt tạo nên một Trung Cung sáng sủa và sinh động vào năm mới.
Lưu ý các vùng chuyển tiếp trong ngoài
Bậu cửa sổ, bậc thềm, sảnh vào cửa chính… vốn là nơi nạp khí và thoát khí thường ngày, khi chưng đồ mới nên tạo sắc thái mới bằng các thủ pháp trang trí hoặc tiểu cảnh.
Các vật dụng ưu tiên cho khu vực chuyển tiếp thường là chậu cây bon sai hoặc cây kiểng đẹp chịu bóng râm, tỳ hưu bằng đá hay đồng, tranh ảnh câu đối, hình dán linh vật của năm, treo đèn lồng.
Cần lưu ý yếu tố chiếu sáng và âm thanh tương ứng cho vật trưng bày, bằng cách dùng thêm đèn pha, đặt thác nước, lu nước phong thủy chảy róc rách, treo phong linh, ống sáo trúc để tăng sinh động và kích thích luân chuyển sinh khí trong nhà.
Cẩn trọng với bàn thờ
Đối với khu vực thờ tự, hãy dùng khăn giấy ướt lau sạch bụi bặm cho các tượng (thần tài, thổ địa) hoặc ảnh trên bàn thờ. Tuy nhiên, nên hạn chế di chuyển tượng, ảnh và không dùng giẻ lau. Tiếp theo, hãy kê gọn bàn thờ cho hợp lý theo nguyên tắc: Bát nhang lúc nào cũng đặt xa tượng/ảnh nhất, nghĩa là gần với người thắp nhang nhất, khoảng ở giữa dùng để bày nước, trà, rượu, bình hoa hoặc là mâm trái cây khi cúng. Đối với những nhà thắp nhang nhiều, khi cúng vào ngày 30 tháng Chạp nên đốt hết phần chân nhang của năm cũ, lưu ý là không được vứt vào sọt rác.
Theo phong thủy, quan điểm kỵ di chuyển bát nhang trên bàn thờ là không đúng. Thật ra, việc đánh bóng lư đồng, bát nhang vào dịp lễ, Tết vừa thể hiện sự trang trọng vừa giúp “tống cựu nghinh tân”.
Lưu ý các vị trí ăn uống, đãi khách
Đây cũng là nơi cần chỉnh trang vào dịp tết bởi khu vực này sẽ thường xuyên tập trung người trong dịp năm mới. Cần có chỗ ngồi ổn định của gia chủ để dễ dàng quán xuyến trong ngoài. Bổ sung các vật dụng vừa trang trí vừa sử dụng hiệu quả như hộp khăn giấy, giá để rượu, khay trà…
Tránh xếp đặt tùy tiện theo kiểu gặp đâu ngồi đấy, khi nhà có nhiều khách sẽ vướng víu và bất tiện. Cũng cần dự trù khoảng trống cho trẻ em vui đùa, do vậy có thể cất bớt đi một vài đồ đạc có góc cạnh sắc nhọn để giải phóng không gian và tránh nguy hiểm cho trẻ em vào dịp Tết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet