Năm 1998, ông Đinh Viết Mạnh ở P.Hiệp Phú, Q.9 (Tp..HCM) mua một căn nhà mặt tiền đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức. Nhà này hơn 53m2 nhưng chỉ được công nhận hơn 30m2, phần còn lại 23m2 thuộc lộ giới đường Võ Văn Ngân dự phóng nên không được công nhận. Năm 2012 ông Mạnh làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (giấy chủ quyền) thì được UBND Q.Thủ Đức công nhận thêm 23m2 đất trên do nhà, đất có trước quy hoạch.

23m2 đất đóng thuế hơn 300 triệu đồng!

"Không kể một gia đình, cá nhân có bao nhiêu nhà, đất nhưng nếu tổng diện tích các nhà, đất đã hợp thức hóa hoặc chuyển mục đích sử dụng vượt hạn mức đất ở thì phần đất vượt hạn mức bị buộc phải đóng tiền cao"

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Dung (chi cục phó Chi cục Thuế Q.Thủ Đức) kiến nghị

Ông Mạnh “choáng váng” khi nhận được thông báo của Chi cục Thuế Q.Thủ Đức yêu cầu đóng hơn 420 triệu đồng tiền sử dụng đất. Ông Mạnh khiếu nại rằng phần nhà, đất của ông vừa được công nhận thêm không thuộc trường hợp phải đóng tiền sử dụng đất vì nguồn gốc nhà, đất đã có giấy tờ hợp lệ, có trước năm 1993 (thời điểm Luật đất đai có hiệu lực) và diện tích đất cũng không vượt hạn mức đất ở. Tuy nhiên, Chi cục Thuế Q.Thủ Đức khẳng định do ông Mạnh đã được cấp giấy chủ quyền một căn nhà khác ở Q.9 nên 23m2 đất trên được tính thành lần hợp thức hóa nhà, đất thứ hai theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Vì vậy, ông Mạnh phải đóng 100% tiền sử dụng đất theo giá quy định nhân hệ số 2.

Ông Mạnh khiếu nại đến Cục Thuế TP nhưng yêu cầu của ông cũng không được cơ quan này chấp nhận. Sau đó, UBND TP có văn bản điều chỉnh hệ số tính tiền sử dụng đất tại Q.Thủ Đức còn 1,5 lần giá đất Nhà nước quy định nên số tiền ông Mạnh phải đóng giảm còn hơn 300 triệu đồng, nhưng hiện ông vẫn còn ghi nợ vì chưa có tiền đóng.

Ông Đinh Viết Mạnh hiện còn ghi nợ hơn 300 triệu đồng tiền sử dụng đất cho 23m2 đất thuộc căn nhà ở mặt tiền đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức (Tp..HCM)

Ông Mạnh tính: tổng diện tích hai căn nhà của ông chưa đến 100m2 (căn nhà ở Q.9 rộng 68m2), chưa bằng một nửa hạn mức sử dụng đất ở tại Q.Thủ Đức là 200m2. Chỉ do hai miếng đất ở hai vị trí khác nhau mà ông phải đóng 100% tiền sử dụng đất theo giá thị trường là bất hợp lý.

Không công bằng

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Dung, chi cục phó Chi cục Thuế Q.Thủ Đức, cho biết theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, tất cả trường hợp đóng tiền sử dụng đất lần thứ hai đều phải thu 100% tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Thông tin về việc người sử dụng đất hợp thức hóa (hoặc chuyển mục đích sử dụng đất) lần một hay lần hai là căn cứ tính tiền sử dụng đất. Nhưng hiện nay Chi cục Thuế chỉ kiểm tra được trường hợp người sử dụng đất có nhà, đất khác trên cùng địa bàn quận. Nếu nhà, đất ở quận huyện khác thì cơ quan thuế không “truy” được. Vì vậy hiện việc tính tiền sử dụng đất lần một hay lần hai chủ yếu phụ thuộc vào cam kết của người dân và người trung thực phải đóng tiền sử dụng đất cao...

Không riêng ở Q.Thủ Đức, chi cục thuế các quận 8, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình... đều nhận được nhiều phản ảnh, thắc mắc và khiếu nại của người dân khi tính tiền sử dụng đất bằng 100% giá đất thị trường đối với miếng đất, căn nhà thứ hai.

Tại Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh cũng có nhiều trường hợp người dân phải đóng tiền sử dụng đất cao cho nhà, đất thứ hai trong khi tổng diện tích hai căn nhà của họ chưa đến 40m2, chưa bằng 1/4 hạn mức đất ở của Q.Bình Thạnh (160m2).

Theo ông Võ Hoàng Hoa - phó Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh, Bộ Tài chính cho phép hộ gia đình, cá nhân có quyền được lựa chọn một thửa đất để xác định diện tích trong hạn mức (trong trường hợp có nhiều thửa đất) nên cơ quan thuế không cộng dồn diện tích của các thửa đất để xác định hạn mức sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Nếu so sánh nhiều trường hợp thì cách thu này chưa hợp lý giữa người có nhiều thửa đất nhỏ và người có thửa đất lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Dung, Bộ Tài chính quy định thu tiền sử dụng đất mức cao đối với trường hợp đóng tiền sử dụng đất lần thứ hai là muốn buộc người có nhiều nhà, đất phải đóng thuế cao cho Nhà nước. Bà Dung nhận định chính sách này hợp lý nhưng nên tính trên tổng diện tích nhà, đất chứ không nên tính trên số lượng nhà, đất như hiện nay.

Một lãnh đạo Chi cục Thuế Q.8 cũng kiến nghị các ngành chức năng phải tính toán xây dựng hệ thống thông tin nhà, đất kết nối liên thông trên toàn quốc để cơ quan cấp giấy chủ quyền và cơ quan thuế có cơ sở kiểm tra, truy thu đối với trường hợp người dân không khai thật về số lượng nhà, đất.

Kiến nghị không tính tiền sử dụng đất theo số lượng nhà, đất

UBND Tp..HCM đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu áp dụng cách tính tiền sử dụng đất theo nghị định 198 năm 2004 (tính theo diện tích đất trong và ngoài hạn mức), không tính tiền sử dụng đất dựa theo số lượng nhà, đất.

Trao đổi về kiến nghị trên, ông Trần Đức Thắng - cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - cho biết đây chỉ mới là ý kiến của riêng Tp..HCM, bộ sẽ tổng hợp ý kiến của 63 tỉnh thành để đưa ra giải pháp hợp lý nhất. Hiện tại, Luật đất đai 2003 đã sắp hết hiệu lực. Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định về thu tiền sử dụng đất để thực hiện Luật đất đai 2013. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các địa phương, các cơ quan thuế, sau khi các địa phương có ý kiến bộ sẽ tổng hợp và quyết định trên nguyên tắc tạo thuận lợi nhất cho người dân đóng thuế. “Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo sự công bằng giữa người đóng thuế trước và sau, giữa người sử dụng đất lâu đời được công nhận và người sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm... Phạm vi để tính nhà, đất thứ nhất, thứ hai... được tính trên địa bàn cả nước” - ông Thắng nói.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME