Chưa thể khẳng định khi nào dự án Đại học Quốc gia Hà Nội hoàn thành
Do mới được cấp 8% vốn và còn những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên dự án xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến nhất Đông Nam Á bị chậm tiến độ.
Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá, dự án xây trường ở Hòa Lạc được triển khai rất chậm so với kế hoạch.
Năm 2003, dự án chính thức được khởi công. Đến nay, sau 15 năm, mới có 3 khu nhà, 6 tuyến đường được hoàn thành, đền bù giải phóng mặt bằng được 75% diện tích nhưng chưa bố trí được khu tái định cư cho người dân. Theo kế hoạch, đến năm 2025, dự án sẽ hoàn thành với 8 trường đại học, 10 trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và các trung tâm nghiên cứu liên hợp, 5 viện, 5 khoa trực thuộc, 10 đơn vị phục vụ. Khi đó, toàn bộ Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được dời lên Hòa Lạc.
Theo ông Hải, dự án chậm tiến độ là do được cấp ít vốn. Dự án mới được đầu tư 8% số vốn ước tính (200 tỷ đồng/25.800 tỷ đồng).
Một nguyên nhân khác là Hòa Lạc nằm tại ranh giới giữa Hà Tây (cũ) và Hà Nội nên việc thu hồi đất gặp khó khăn, chế độ đền bù tại hai khu vực này khác nhau. Khi hai địa phương được sáp nhập, việc đền bù áp dụng theo khung của Hà Nội nhưng chế độ đền bù của người thuộc đất Hà Tây (cũ) lại mâu thuẫn với người trước đó.
Cũng vì chưa bố trí được khu tái định cư cho người dân nên dự án đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong. Nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng suốt những năm qua vẫn sống trên khu đất dự án. Khó khăn này phát sinh vì đầu tư không theo kế hoạch.
Ông Hải nói: "Tới đây, sau khi có khu tái định cư, việc giải phóng mặt bằng với những hộ dân còn sinh sống trong dự án có lẽ vẫn phức tạp".
Khu Đại học Quốc gia Hà Nội hơn 1.000ha vẫn còn nhiều diện tích trống. Ảnh: Giang Huy
Dựng nhà tạm cho giảng viên nghiên cứu khoa học
Đại học Quốc gia Hà Nội thiếu nhất là khu nghiên cứu và giảng đường. Trường hiện có 4.000 cán bộ, 45.000 sinh viên. Trong khi đó, dự án ở Hòa Lạc có quy mô phục vụ 6.550 cán bộ, nhân viên và 63.500 học sinh, sinh viên. Trường ở nội thành có tổng diện tích chỉ 15,6ha nên mới đáp ứng tối thiểu quy định về cơ sở vật chất, diện tích mặt sàn giảng đường trên sinh viên.
Ông Hải nói: "Cơ sở vật chất là nút thắt phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội". Ông cũng cho biết trường phải làm 7 nhà tạm ở Hòa Lạc cho giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên nghiên cứu khoa học.
Cũng theo ông Hải, các cán bộ giảng viên, sinh viên đều mong muốn có cơ sở rộng rãi, đủ không gian nghiên cứu, học tập. Dự án tại Hòa Lạc được ngóng đợi vì đáp ứng tiêu chuẩn của một trường đại học quốc gia.
Chưa biết khi nào dự án sẽ hoàn thành
Năm 2008, Bộ Xây dựng nhận nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án tại Hòa Lạc. Từ đó đến năm 2017, đơn vị này làm các tuyến đường chạy khắp khu đất 1.000ha. Đến cuối năm 2017, vai trò chủ đầu tư lại được chuyển cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Đầu năm 2018, khu giảng đường Đại học Khoa học Tự nhiên với 15.000m2 sàn được khởi công, dự kiến hoàn thành sau 1,5-2 năm.
Về vốn đầu tư dự án, năm 2017, Thủ tướng đã đồng ý áp dụng cơ chế đặc thù, ưu tiên cấp vốn giải phóng mặt bằng tái định cư, cho vay ODA... để thực hiện dự án. Nhưng Phó giám đốc Nguyễn Hoàng Hải chưa thể khẳng định khi nào dự án sẽ hoàn thành và chuyển toàn bộ Đại học Quốc gia Hà Nội lên cơ sở mới. Ông nói: "Việc này phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan".
Vị này cũng cho rằng khó có thể đạt mục tiêu di dời Đại học Quốc gia Hà Nội để giảm tải cho khu vực nội đô (theo đề án năm 2013). Mục tiêu của đề án là lấy 7,44% vốn đầu tư dự án ở Hòa Lạc từ việc xã hội hóa chuyển giao tài sản và quyền sử dụng đất các cơ sở hiện nay của trường. Nhưng với khoản kinh phí khá lớn, các chủ đầu tư xã hội hóa khó có thể dùng để giảm tải cho nội đô.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet