Chuyện kinh doanh khách sạn nhìn từ thương vụ thâu tóm của Marriott
Theo thông báo mới đây, Marriott đã trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới với hơn 1 triệu phòng, nhiều hơn khoảng 50% so với đối thủ nặng kí nhất là Hilton.
Sau nhiều tháng đồn đoán, cuối cùng thì thương vụ chuỗi khách sạn của Mỹ là Marriott bỏ ra 12,2 tỷ USD mua lại đối thủ Starwood vốn sở hữu những thương hiệu nổi tiếng như Sheraton và Westin đã diễn ra. Được biết, hồi tháng 4, trong khi các chuỗi khách sạn khác vẫn hoạt động tốt thì tăng trưởng của Starwood lại suy giảm. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến họ bắt đầu tìm kiếm phương án thay thế chiến lược và tài chính.
Thương vụ này diễn ra trong thời kỳ hoàng kim của ngành khách sạn. Cách đây 8 năm, công ty vốn cổ phần tư nhân Blackstone mua Hilton với giá 26 tỷ USD. Trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế, giá trị của Hilton đã giảm mạnh nhưng sự phục hồi của ngành công nghiệp khách sạn khiến thương vụ trở thành một trong những vụ mua lại lời nhất trong lịch sử của Blackstone.
Tại Mỹ, doanh thu trên mỗi phòng có sẵn (RevPAR, doanh thu chia theo số phòng có sẵn trong một khoảng thời gian cho trước) đã liên tục tăng trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo kỳ vọng của công ty kiểm toán PwC, tỷ lệ sử dụng phòng năm nay sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 1981. Song, câu hỏi đặt ra không phải là liệu suy giảm có diễn ra (bởi chắc chắn nó sẽ xảy đến) mà là các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn như Marriott có thể kéo dài những ngày thanh bình này trong bao lâu?
Ở thời điểm hiện, cú bùng nổ trong ngành kinh doanh khách sạn xuất hiện một phần do chu kỳ và cũng một phần do công tác quản lý tốt. Mấu chốt là các công ty kinh doanh khách sạn sở hữu ít hơn các tòa nhà khách sạn hơn họ đã từng.
Trong mô hình “xem nhẹ tài sản” này, các doanh nghiệp kiếm tiền từ việc quản lý và nhượng quyền khách sạn. Marriott sở hữu hoặc thuê chỉ 2% số phòng mà nó đang điều hành. Mặc dù, chủ khách sạn không thu lời từ sự tăng giá BĐS, tuy nhiên ngược lại cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi giá lao dốc.
Chính cuộc khủng hoảng tài chính đã chứng minh “tính nhân đạo” của mô hình này. Những công ty khách sạn cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, song các nhà đầu tư tài sản lại là người chịu hầu hết nỗi đau. Từ đó, các công ty khách sạn hưởng lợi từ sự không cân bằng đơn giản giữa cung và cầu, nhất là ở Mỹ. Tuy thị trường du lịch đã nhộn nhịp trở lại, song nguồn cung phòng khách sạn mới chưa thể bắt kịp được.
Liệu tình trạng này kéo dài được bao lâu? Không ít khách sạn đang đối mặt với làn sóng thay đổi mạnh mẽ do các công ty công nghệ gây nên. Airbnb - ứng dụng cung cấp số phòng, chia sẻ phòng nhiều hơn cả của Starwood và Marriott cộng lại. Nhiều đại lý du lịch trực tuyến mạnh tay cắt giảm chi phí thuê phòng trong các tour du lịch. Bên cạnh đó, các trang so sánh giá khiến các doanh nghiệp khó lòng tăng giá phòng. Hơn nữa, nguồn cung đang tăng lên cũng khiến việc tăng giá càng khó hơn.
Theo dự báo của Steven Kent, chuyên gia của Goldman Sachs, nguồn cung phòng mới trong 2 năm tới sẽ vượt qua tổng số của 5 năm trước. Trên thực tế, tăng trưởng trong tỷ lệ sử dụng phòng và chỉ số RevPAR đều đang bắt đầu chững lại.
Dù vậy thì ông chủ của Marriott, Arne Sorensn vẫn khá lạc quan và tin tưởng với thương vụ vừa qua. Theo Arne Sorensn, cho dù đây có là một thị trường giá lên mạnh mẽ hay thị trường giá giảm thì vẫn có giá trị chúng tôi có thể tạo ra từ việc ráp 2 ông lớn này lại với nhau.
Marriott đang mua Starwood với giá khá rẻ và sẽ tiếp tục với kế hoạch thu về 2 tỷ USD (trước thuế) từ việc bán tài sản trong vòng 2 năm nữa. Ông Sorenson cho hay, các khách sạn phong cách của Starwood sẽ giúp Marriott thu hút lượng lớn khách du lịch. Đồng thời, thương vụ này cũng giúp Marriott chống đỡ với những đối thủ mới đang hoạt động tích cực trên Internet bằng cách trải đều chi phí về công nghệ (từ các ứng dụng dành cho khách hàng đến phần mềm dự báo nhu cầu phòng ở) trên 1,1 triệu phòng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet