Có cần đánh đổi cả tuổi trẻ chỉ để sở hữu một ngôi nhà?
Nhiều người trẻ do tài chính hạn hẹp nên phải loay hoay giữa hai lựa chọn: sớm mua một ngôi nhà chỉ để có chỗ “chui ra chui vào” hay tích lũy đủ để sở hữu một ngôi nhà đúng nghĩa?
31 tuổi, Trung chưa lấy vợ, sống một mình trong căn hộ 50m2. Anh nghĩ rằng, sẽ thật khó chịu khi cả ngày làm việc vất vả, lúc về trên con đường ngột ngạt và buổi tối lại phải chui vào một chiếc giường bừa bộn, trong một căn phòng chất kín đồ để ngủ. Vì thế, thay vì chọn nhà trọ nhỏ để tiết kiệm chi phí, Trung thuê một căn hộ tươm tất trong một dự án chung cư có sân đi dạo, có phòng gym. Anh biết, ở nơi này quãng đường đến với ngôi nhà trong dự định của anh sẽ dài hơn, nhưng anh chấp nhận để đạt được điều mình muốn mà không phải đánh đổi quá nhiều.
Trung bị ám ảnh những tháng năm ở nhà trọ thời sinh viên, dưới mái tôn nóng như thiêu vào mùa hè hay trận lụt kinh hoàng năm 2008 khiến anh phải ngồi trên chiếc giường chất đầy quần áo sách vở, hai chân thả xuống nước để ăn mì tôm. Đây cũng là một trong những lý do khiến Trung chần chừ chuyện vợ con, anh muốn mua được một ngôi nhà trước khi đến với quyết định lớn hơn của cuộc đời – lập gia đình.
Với Trung, nhà là nơi ấm áp nhất, tươm tất nhất, thơm tho nhất, nơi để ngủ vùi khi mệt mỏi, để hít thở và để sống, không phải nơi trút những tiếng thở dài, nơi để buồn bã nhìn sang những ngôi nhà rực rỡ xung quanh.
7 năm ra trường, anh vẫn đang bơi giữa những mong muốn và thực tại. Những lúc quá mệt, anh chạy về nhà, nơi có mảnh vườn của ba trồng đầy cây, nơi có mấy luống rau vài con gà của mẹ. Nhà chẳng có gì đáng giá, nhưng anh thấy thoải mái, gần gũi. Phải chăng là nhờ có mảnh vườn, có cây cối, có người thân, chứ không phải là những khối bê tông lạnh lẽo vây quanh những món nội thất, đồ điện tử đắt tiền?
Nhiều người trẻ chìm trong áp lực nợ nần chỉ vì cố mua nhà khi tài chính hạn hẹp. Ảnh minh họa
Trung tự vẽ cho mình một ngôi nhà. Ban đầu đó là nhà phố trong ngõ nhỏ, có mảnh vườn con con trồng vài loại cây anh thích. Nhưng giá nhà phố đắt quá, anh đành chuyển hướng sang căn hộ chung cư. Căn hộ đó ít nhất phải có ban công rộng rãi, thoáng đãng, để anh có chỗ đặt vài chậu cây, vài giỏ hoa, nơi cho anh hít thở, nơi cho anh bớt nhớ mảnh vườn của mẹ, những chậu cảnh của bố ở quê. Anh cũng muốn, căn hộ đó phải nằm trong một khu đô thị có nhiều cây cối, có sân chơi, có chỗ để gia đình đi dạo buổi tối…
Nhưng nhìn lại số tiền mà mình tích lũy, anh thấy nó vẫn cứ xa vời vợi với giá trị căn hộ vài tỷ trong mơ. Giá nhà cứ lên, và quãng đường để Trung đến gần ngôi nhà mình vẽ chẳng những không ngắn đi mà lại dài thêm.
So với bạn bè cùng thời, Trung là người có năng lực, anh đi làm từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Ra trường, bạn bè còn loay hoay thì anh đã có một số vốn nhỏ từ thời sinh viên để mở cửa hàng và làm việc cho một công ty về thời trang. Công việc của Trung liên quan nhiều đến ý tưởng và sáng tạo, nên anh rất ghét sự bó buộc và cần phải thường xuyên dịch chuyển: đi phượt, du lịch hay đơn giản chỉ là chuyển chỗ làm. Nếu nhìn vào độ tuổi và những gì Trung làm được, anh được xếp vào hàng thành đạt. Mấy năm gần đây, mỗi năm anh cũng tích lũy được 300 - 400 triệu đồng, hỗ trợ nhiều cho bố mẹ và em gái ở quê. Vậy mà chuyện mua nhà với anh lại không hề dễ dàng.
Nhiều lúc Trung tự hỏi, chỗ ở, thứ cấp thiết bậc nhất trong đời người, một nhu cầu cơ bản như cơm ăn, nước uống, từ bao giờ lại trở nên quá khó khăn như vậy? |
Thực ra, những người bạn cùng tuổi anh, hầu như những ai mua được nhà đều là nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình, một số ít nhờ việc kinh doanh, buôn bán thuận lợi. Còn lại, ai cũng bươn bải, sấp ngửa với chuyện nhà cửa.
Năm nay khi đã tích góp được gần 2 tỷ, tìm được ý trung nhân, anh dự định vay thêm tiền ngân hàng mua nhà thì đúng lúc thị trường khá im ắng, chỉ có vài dự án mới mở bán nhưng khá xa trung tâm, dự án hiện hữu ở trung tâm lại quá đắt đỏ. Trung đành gác giấc mơ mua nhà lại, vì anh không muốn cố ép mình sống ở một nơi mình không thích, chỉ vì cần có một chỗ ở.
Bạn bè của Trung nhiều người lựa chọn trái ngược với anh: chỉ cần có một chỗ “chui ra chui vào” còn lại… tính sau! Họ tích lũy, dè sẻn chi tiêu, vay nợ ngân hàng để mua một căn hộ nhỏ hay nhà cấp 4 chật chội, xa trung tâm. Trung không biết, họ sống ở đó với gánh nợ nặng nề trên vai cả chục năm thế nào, còn anh tiếp tục ở nhà thuê, tìm hướng tăng thêm thu nhập để có được nơi ở như mình mong muốn. Việc đánh mất cả tuổi trẻ, không dám đi chơi, không tự thưởng cho bản thân… chỉ để có một ngôi nhà, với Trung là sự trả giá quá đắt.
Ngọc Sương (ghi)
Xem thêm:
- Mua nhà Sài Gòn: Lương 10 triệu chỉ có thể "mơ"?
- Người trẻ tại TP.HCM chật vật mua nhà
- Người trẻ TP.HCM mua nhà: lương chạy không kịp giá!
- Liều lĩnh mua nhà, oằn lưng gánh nợ
Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2019/12/07/co-can-danh-doi-ca-tuoi-tre-chi-de-so-huu-mot-ngoi-nha
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet