1/ Công trình xây dựng nhà ở của chúng tôi có diện tích:

Diện tích sàn: Nhà văn phòng: 161,4 m2; nhà vòm 72m2; nhà kho 72m2. Các hạng mục này hoàn thành năm 2009 và được UBND xã cấp giấy phép xây dựng (dành cho nhà ở nông thôn) cho hạng mục nhà văn phòng. Các hạng mục này do chúng tôi tự xây dựng dựa trên kinh nghiệm. Không có hồ sơ thiết kế.

2/ Công trình xây dựng:

Trạm xăng dầu. Hoàn thành năm 2010; có giấy phép xây dựng: Do huyện cấp; có hồ sơ thiết kế: do thuê mướn đơn vị công ty xây dựng làm bản thiết kế và đã được duyệt. Phần xây dựng là do chúng tôi tự xây dựng.

Hỏi: Khi làm thủ tục bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, phòng tài nguyên môi trường yêu cầu chúng tôi phải có bản vẽ hoàn công của nhà văn phòng và không chấp nhận giấy phép xây dựng do UBND xã đã cấp. Vậy với trường hợp thông tin chúng tôi nói ở câu 1 như trên thì giao cho ai làm bản vẽ hoàn công công trình nhà văn phòng, nhà kho, nhà vòm này? Bản vẽ này sẽ do cá nhân chúng tôi tự vẽ rồi đem lên UBND huyện xác nhận hay là cần thuê mướn một đơn vị chuyên ngành riêng?

Tương tự câu hỏi trên chúng tôi cũng đang tiến hành làm thủ tục bổ sung sở hữu công trình trạm xăng cùng lúc với nhà văn phòng và cần bản vẽ hoàn công này, vậy chúng tôi yêu cầu đơn vị xây dựng khác hoàn thành bản vẽ này hay đơn vị chúng tôi tự làm? Như vậy chúng tôi cần hai bản vẽ hoàn công khác nhau hay chỉ cần làm một bản vẽ chung (do nhà ở văn phòng xây dựng trước và không có bản vẽ thiết kế)? Trần Lucas ([email protected])

Trả lời

Về thành phần hồ sơ khi lập thủ tục xác nhận thay đổi hiện trạng nhà

1/ Về việc lập bản vẽ hoàn công

Căn cứ khoản 1, điều 18 quyết định 51/2007/QĐ-UBND ngày 16/8/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai quy định, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, mà trong quá trình sử dụng nhà ở, đất ở có sự thay đổi như xây dựng mới, thay đổi về chiều cao, diện tích, kết cấu so với hiện trạng cũ, thì chủ sở hữu nhà có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận thay đổi, hồ sơ gồm có:

 i/ Đơn đề nghị xác nhận thay đổi giấy chứng nhận (theo mẫu).

 ii/ Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi theo quy định tại điều 11 của quyết định 51/2007/QĐ-UBND, như giấy phép xây dựng… (một bản chính).

 iii/ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (một bản chính).

 iv/ Bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở có thay đổi về diện tích, tầng cao, kết cấu chính của căn nhà.

Như vậy, theo quy định nêu trên, thì hai trường hợp của ông khi lập thủ tục đăng ký thay đổi hiện trạng căn nhà, ông không phải lập bản vẽ hoàn công và biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành. Do đó, ông nên liên hệ với ủy ban nhân dân huyện về vấn đề này. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, hiện nay một số tỉnh thành tuy quy định của pháp luật không yêu cầu hai tài liệu trên khi lập hồ sơ đăng ký thay đổi hiện trạng, nhưng trong thực tế các cơ quan trực tiếp thụ lý hồ sơ thường yêu cầu hồ sơ phải có bản vẽ hoàn công, biên bản nghiệm thu và người dân vẫn thường lập hai tài liệu này khi nộp hồ sơ.

Căn cứ điều 27 nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ, bản vẽ hoàn công do đơn vị thi công lập và bản vẽ này phải được chủ đầu tư và đơn vị giám sát công trình ký tên. Trong một số trường hợp, chủ đầu tư đồng thời cũng là đơn vị thi công thì hiện nay chúng tôi không thấy có văn bản pháp luật nào hướng dẫn giải quyết trường hợp chủ đầu tư đồng thời là người thi công, khi hoàn thành công trình có phải lập bản vẽ hoàn công và biên bản nghiệm thu hay không. Mặt khác, việc lập hai tài liệu trên nhằm mục đích làm cơ sở cho việc bào hành, bảo trì công trình giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công, khi chủ đầu tư đồng thời là đơn vị thi công thì việc này không còn cần thiết.

Do vậy, để biết chắc cả hai trường hợp của ông có cần lập bản vẽ hoàn công và biên bản nghiệm thu công trình hay không và thành phần các bên tham gia lập hai tài liệu này gồm những đơn vị nào, ông nên làm việc trực tiếp với cán bộ nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai để xác định vấn đề trên, căn cứ trên cơ sở luật pháp và thực tế mà chúng tôi vừa nêu.

2/ Về câu hỏi ông có thể lập bản vẽ hoàn công và đem lên ủy ban nhân dân huyện duyệt hay không

Căn cứ điều 27 nghị định 209/2004/NĐ-CP, thì bản vẽ hoàn công không cần phải có xác nhận hay phê duyệt của ủy ban nhân dân huyện, bởi vì bản vẽ hoàn công như đã giải thích ở trên có tính chất hoàn toàn khác với bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở, theo quy định tại điều 13 quyết định 51/2007/QĐ-UBND.

Đối với bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở được lập nhằm làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dùng làm tài liệu thể hiện trên phần sơ đồ nhà ở đất ở trong giấy chứng nhận, nếu ông có thể tự đo vẽ được thì bản vẽ phải được phòng quản lý đô thị, hạ tầng - kinh tế huyện kiểm tra và xác nhận.

 3/ Về việc ông có thể lập một bản vẽ hoàn công cho hai công trình hay không

Theo thư trình bày thì ông có hai công trình với hai giấy phép xây dựng khác nhau. Do đó, trường hợp của ông nếu phải lập bản vẽ hoàn công, thì ông phải lập hai bản vẽ hoàn công khác nhau.

Đối với trường hợp thứ nhất không có bản vẽ thiết kế, thì không có cơ sở để lập bản vẽ hoàn công. Bởi lẽ, căn cứ điều 27 nghị định 209/2004/NĐ-CP thì bản vẽ hoàn công là bản vẽ công trình xây dựng hoàn thành, trong đó thể hiện kích thước thực tế so với kích thước được thể hiện trên bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt, ông có thể trao đổi vấn đề này với cán bộ nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai để được hướng dẫn giải quyết cụ thể (căn cứ điều 27 nghị định 209/2004/NĐ-CP).

Luật sư PHẠM ĐÌNH SƠN
(Công ty TNHH Quốc An)
(Theo TTO)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME