Có phải bồi thường tiền cọc?
Hỏi: Tôi mua một căn hộ chung cư (chưa có sổ đỏ vì lúc đó căn nhà chưa xây xong). Tên trong hợp đồng là tên của chủ cũ, sau đó chủ cũ có bán lại cho 1 người khác (có làm giấy ủy quyền có công chứng). Người này có vay tiền tôi để làm ăn và đưa tôi giấy tờ nhà đó để làm tin.
Toàn bộ giấy tờ gồm: hợp đồng mua bán nhà của chủ đầu tư và chị A (chủ đứng tên trong hợp đồng), giấy ủy quyền có công chứng của chị A cho chị B (người vay tiền của tôi).
Vì cần tiền gấp nên chị B đồng ý cho tôi bán nhà nhưng chỉ nói miệng và tôi đã bán căn hộ cho 1 người khác, đã lấy tiền đặt cọc và có làm giấy nhận đặt cọc. Trong điều khoản đặt cọc có ghi nếu tôi không bán nữa sẽ phải chịu mất gấp đôi số tiền đã đặt cọc. Thời điểm làm giấy đặt cọc tôi không liên lạc được với chị B, nên sau khi chị B về đã mang tiền trả tôi và không đồng ý bán căn hộ nữa. Chị đã đến trả lại tiền đặt cọc cho người mua nhưng bên mua nhất định không đồng ý và đòi kiện tôi ra tòa lấy lại số tiền phạt cọc.
Xin hỏi: Tôi có phải trả tiền phạt cọc hay không (trong biên nhận đặt cọc không có người làm chứng)? Tôi không phải là chủ sở hữu hợp pháp của căn hộ đó nên không thể viết giấy bán nhà hay đặt cọc đúng không? Nếu có ra tòa thì họ không thể bắt tôi trả tiền phạt cọc đúng không? Mong sớm hồi âm. Xin cảm ơn.
truc-csihn ([email protected])
Trả lời:
Theo quy định tại điều 358 Bộ luật dân sự thì đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý́, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự và việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quy định về đặt cọc theo quy định tại điều 358 Bộ luật dân sự nêu trên chỉ quy định việc đặt cọc phải được lập thành văn bản mà không bắt buộc việc đặt cọc phải có người làm chứng cũng như phải có công chứng hoặc chứng thực. Do đó, bên mua có quyền yêu cầu buộc bạn phải thực hiện nghĩa vụ (trả gấp đôi số tiền đặt cọc) trong trường hợp bạn không tuân thủ các giao kết đã thỏa thuận trong giấy đặt cọc với bên mua.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
Theo Tuoi tre Online
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet