Cơn sốt đất nông nghiệp đang khuấy động nước Nga
Ở Nga, hàng triệu hecta đất màu mỡ đang bỏ hoang. Các nhà đầu tư đang đổ xô vào cơ hội mới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro về chính sách và sự bất bình của nông dân.
Tình thế đang thay đổi. Hàng chục năm sau khi công nghiệp Nga chuyển hướng theo tư bản, cuộc chuyển đổi nông nghiệp đang khuấy động nông thôn nước Nga. Các hợp tác xã đã trụ lại sau đổi mới và vẫn chiếm đa số trong nông nghiệp, ngày nay đang bị cuốn theo chiều gió.
Cơn sốt đất nông nghiệp nổi lên do hai nguyên nhân: sốt giá lương thực (riêng trong năm 2007, giá lúa mì trên thế giới đã tăng 77%) và luật mới ở Nga cho phép người nước ngoài sở hữu đất nông nghiệp.
Quyền lực mới của nước Nga
Trả lời phỏng vấn, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Nga, ông Samir Suleymanov nói: “Liệu ở đâu có thể có nhiều đất đai như ở đây?” Trước khi hợp tác hóa nông nghiệp diễn ra, nước Nga đã từng là nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích kỳ vọng nông nghiệp Nga có thể chuyển mình nhờ vào sản xuất qui mô lớn trên những vùng đất bao la.
Còn Bộ trưởng Nông nghiệp Aleksey Gordeyev thì nói trong hội nghị thượng đỉnh về lương thực ở Ý mới đây: “Thế giới vẫn coi nước Nga như một quyền lực quân sự. Nhưng đồng thời và trên hết, nước Nga là một quyền lực về nông nghiệp”.
Theo ông Suleymanov, nếu lấy lại vị thế đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực, nước Nga có thể giải quyết tình trạng căng thẳng lương thực hiện nay, cùng nạn đói và thiếu dinh dưỡng trên thế giới. Hơn thế nữa, sản xuất nông nghiệp gia tăng sẽ giúp nước Nga tăng thêm quyền lực trên thế giới, không kém gì quyền lực mà dầu khí đã mang lại cho nước Nga trong những năm gần đây.
Cơ hội của các nhà đầu tư
Việc mua đất và chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp mang lại lợi nhuận kinh ngạc, thu hút từ các quỹ đầu cơ, các đại gia Nga, các nhà đầu tư Thụy Điển… cho đến các hậu duệ của giới quý tộc Nga lưu vong.
Các nhà cải cách đã dự kiến hợp tác xã nông nghiệp sẽ dần được chia nhỏ thành hộ gia đình. Nhưng mô hình kinh doanh mới cho thấy dường như lịch sử hợp tác hóa sẽ kết thúc dưới dạng doanh nghiệp nông thôn qui mô lớn.
Ngày nay, khoảng 7% đất nông nghiệp toàn thế giới đang nằm trong tay Nhà nước Nga hoặc các hợp tác xã. Nhưng khoảng 1/6 diện tích đó đang bị bỏ không, tương đương 35 triệu hecta. Để so sánh, toàn bộ đất nông nghiệp của nước Anh chỉ là 6 triệu hecta.
Năng suất ở Nga cũng còn rất thấp. Bình quân canh tác ngũ cốc cho 1,85 tấn/ha, trong khi con số đó ở Mỹ là 6,35 tấn/ha và ở Canada là 3,04 tấn/ha.
Ngay cả loại trừ một phần nhỏ bị ô nhiễm bởi sự cố hạt nhân ở Chernobyl hay ô nhiễm do công nghiệp, thì Nga vẫn còn hàng triệu hecta đất màu mỡ cho nông nghiệp nhưng chưa được động đến.
Dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, những nỗ lực cải cách nông thôn đã thất bại. Một số hợp tác xã được chia sẻ cho những chủ nhân nhỏ, và các ông chủ mới này làm ăn thất bại. Hầu hết các hợp tác xã vẫn giữ nguyên như cũ.
Bất chấp những rủi ro
Một số chuyên gia cho biết vẫn có những rủi ro trong đầu tư. Nước Nga hiện đại, để bảo vệ nguồn tài nguyên, một ngày nào đó có thể lại quốc hữu hóa hoặc lập ra những tập đoàn để thống lĩnh các chủ đất.
Một số quan chức cũng ám chỉ Chính phủ có thể lấy lại sự kiểm soát ngành kinh doanh nông nghiệp, như đã từng xảy ra thời Liên Xô cũ.
Nhưng rõ ràng là sự lo ngại không làm chùn lòng các nhà đầu tư. Theo Công ty môi giới Troika Dialog ở Moscow, trong hai năm qua giá đất đã tăng gần gấp đôi, bình quân từ 570USD lên 1.000USD mỗi hecta.
Một trong những nhà đầu tư đầu tiên nhận ra giá trị nông nghiệp Nga là Michel Orloff, thuộc dòng dõi một gia đình quý tộc trước đây. Ông cho biết, năm 2004 đã thăm Argentina và thấy các chủ đất lớn kinh doanh có lãi không cần đến trợ giá của Nhà nước. Ông kỳ vọng mô hình tương tự ở Nga có thể giúp gia tộc mình lấy lại vị thế quý tộc trước đây, nhờ nguồn tài chính mới.
“Ở Thủ đô, người ta bảo là tôi bị điên mới quay về nông nghiệp”- Orloff nhắc lại lần ông chuyển đổi một hợp tác xã có tên Bình Minh thành doanh nghiệp - “Ngày nay, họ đều ghen tị với tôi”.
Mô hình của ông dựa trên ý tưởng là hợp tác xã không nên chia thành các hộ nhỏ, mà cần được hợp nhất thành các doanh nghiệp lớn để đạt lợi thế kinh tế về qui mô. Bằng cách thuê các nhà nông học được đào tạo tại phương Tây, kết hợp với máy móc hiện đại, ông đã nâng năng suất lên gần gấp đôi. Năm ngoái, Công ty Back Earth của ông đạt năng suất lúa mì 3,3 tấn/ha, dự kiến năm nay sẽ đạt 4,4 tấn/ha.
Mặc dù nhiều nhà đầu tư đang đổ đến, họ vẫn chỉ là số nhỏ so với diện tích đất khổng lồ của nước Nga. Trong số các công ty đang mua hợp tác xã để chuyển đổi, có thể kể đến các công ty lớn có cổ phiếu niêm yết như Black Earth, Razgulai, và Cherkizovo.
Nhiều nhà tài phiệt và đại gia địa phương cũng mua đất, mặc dù sở hữu của họ thường không được tiết lộ. Các công ty phương Tây vẫn cần các mối liên kết ở địa phương, giống như hầu hết các nhà đầu tư vào tài nguyên ở Nga.
Điều đó, kết hợp với khả năng Nga có thể chiếm vị thế mạnh trên thị trường lương thực, đang làm cho châu Âu phải giật mình. Họ lo ngại về thái độ mới của Nga trong ngoại giao và quân sự.
Ngay cả trước khi có những bất đồng gần đây giữa Nga và phương Tây, những trở ngại trong việc sở hữu đất đai ở Nga không phải là nhỏ.
Đối với một số người trong Chính phủ, tư nhân hóa nông nghiệp đã đi quá nhanh và quá xa. Gần đây, đã xuất hiện nhưng ý kiến về thiết lập độc quyền Nhà nước.
Các cơ quan quản lý sẽ chuyển thành các công ty thương mại theo kiểu bao cấp cũ. Mặc dù sự nghiêm túc của những ý tưởng này còn chưa rõ ràng, nhưng đã làm các chuyên gia nông nghiệp lo ngại.
Theo họ, sự độc quyền như vậy sẽ kiểm soát giá lương thực bằng cách hạn chế xuất khẩu, có lợi cho người tiêu dùng nghèo nhưng không khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.
Sự bất bình của nông dân
Kingsmill Bond, một chuyên gia của Công ty môi giới Troika Dialog cho biết: “Hàng loạt các doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển đổi đất đai, nhưng chỉ một số nhỏ sẽ thành công”.
Dân số nông thôn đang giảm rất nhanh do thế hệ trẻ đổ ra thành phố. Sở hữu đất đai, sau thất bại của cải cách hợp tác xã thời Yeltsin, thường không rõ ràng. Tinh thần lao động ở nông thôn cũng bị ảnh hưởng sau hàng chục năm hợp tác hóa, khi những nỗ lực cá nhân không được bù đắp.
Một số nhà đầu tư còn thuê chuyên gia tâm lý để tìm hiểu văn hóa nông thôn và thay đổi thái độ làm việc. Theo một nhà đầu tư, trả lương cao không tăng động cơ làm việc mà chỉ tăng sự phản kháng. Cách tốt nhất là nhấn mạnh vào bản chất của làm việc theo nhóm, ví dụ như thưởng theo nhóm.
Mô hình của Orloff đang nhanh chóng lan rộng. Theo một phân tích của tờ báo kinh tế Vedemosti, đến nay khoảng 14% đất nông nghiệp ở Nga đã được hợp nhất thành doanh nghiệp lớn. “Với sự hợp nhất này, trong 10-15 năm tới, Nga có thể lên hàng đầu thế giới về nông nghiệp”, Orloff dự báo. Với điều kiện là cơn sốt đất không gây nên sự can thiệp mạnh tay của Chính phủ hay sự phản kháng ở nông thôn.
Ví dụ, khi hợp tác xã Bình Minh chuyển đổi thành Công ty Black Earth, các xã viên nếu bán phần hùn của mình thì nhận được khoảng 100 USD/hecta. Ba năm sau đó, theo giá cổ phiếu của công ty, mỗi hecta giá trị 1.100USD.
Nhà tài phiệt Orloff giải thích sự chênh lệch đó là do xã viên không hoàn toàn sở hữu đất đai. Mặt khác, giá trị cổ phiếu trên thị trường không chỉ dựa vào đất mà còn do trình độ quản lý và đầu tư tài chính của công ty. Dù vậy, bác nông dân Vasili Kapechnikov vẫn thấy mình bị thua thiệt sau khi bán phần hùn của mình cho Orloff. Khi được hỏi đã làm gì với số tiền nhận được, bác nói: “Tôi mua một cái quần mới”.
- Khoảng 35 triệu hecta đất nông nghiệp ở Nga đang bỏ không. Trong khi đó, toàn bộ đất nông nghiệp của nước Anh chỉ là 6 triệu hecta.
- Bình quân năng suất ngũ cốc ở Nga là 1,85 tấn/ha, trong khi con số đó ở Mỹ là 6,35 tấn/ha và ở Canada là 3,04 tấn/ha.
- Bình quân giá đất nông nghiệp từ 570 USD/ha trong năm 2006 nay đã lên 1000 USD/ha.
- Đối với một số người trong Chính phủ, tư nhân hóa nông nghiệp đã đi quá nhanh và quá xa. Gần đây, đã xuất hiện nhưng ý kiến về thiết lập độc quyền Nhà nước.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet