Cuộc sống tái định cư vẫn còn chông chênh
Cục Thống kê Tp.HCM vừa thực hiện một cuộc điều tra xã hội về cuộc sống của người dân tái định cư sau khi bị thu hồi đất cho các dự án bất động sản hay phát triển kinh tế - xã hội khác.
Cuộc khảo sát tiến hành trên số mẫu là 1.200 hộ, nhưng đã nói lên nhiều điều về một chính sách có tác động lớn đến đời sống người dân.
Đối tượng điều tra được chọn từ hai nguồn: danh sách các hộ dân do ban bồi thường giải phóng mặt bằng (ở quận, huyện) cung cấp và danh sách vay nợ của Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi (gọi tắt Quỹ 156).
Số hộ nói trên được phân bổ tại bảy quận và năm huyện. Trong đó số hộ tiến hành điều tra tập trung nhiều ở các quận 2, 9, Bình Tân... bởi đây là những khu vực có số dự án phải thu hồi đất đai, di dời nhà cửa của người dân thuộc nhóm nhiều nhất ở Tp.HCM. Tổng số người liên quan tại thời điểm điều tra là 5.725 người.
Căn nhà, đâu đã đủ
Trả lời những câu hỏi về việc làm, cuộc điều tra cho thấy có 38% hộ đánh giá cải thiện hơn so với trước, trong khi 45,5% cho là vẫn như cũ và 16,5% giảm sút so với trước. Cơ quan tiến hành cuộc điều tra đưa ra một số nguyên nhân. Thứ nhất, do giải tỏa nên mất đất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.
Thứ hai, chỗ ở mới quá xa so với nơi làm việc. Thứ ba, mất mặt bằng kinh doanh, lúc trước nhà ở mặt tiền nên có rất nhiều điều kiện thuận lợi để kinh doanh. Thứ tư, phần lớn lao động (thuộc nhóm hộ tái định cư) là những người không có trình độ cao, làm các công việc chân tay, nên khi thay đổi chỗ ở mới rất khó tìm việc làm, diện tích nhà tái định cư nhỏ nên không thể đặt máy móc thiết bị sản xuất tiểu thủ công nghiệp...
Rất nhiều người dân không sống được trong những khu nhà chung cư vì gò bó và thiếu cơ hội mưu sinh (ảnh chụp tại khu chung cư Tân Mỹ, Q.7, nơi tái định cư người dân rạch Ụ Cây, Q.8) |
Tương tự, về thu nhập, có 36% hộ được hỏi trả lời có cải thiện hơn so với trước, trong khi 37,8% cho rằng vẫn như cũ và 26,2% bị giảm sút. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi về thu nhập cũng gần giống như tình hình giảm sút về việc làm.
Những con số trên cho thấy giữa mong muốn tốt đẹp đối với những người có đất bị thu hồi và thực tế cuộc sống của họ vẫn còn một khoảng cách buộc chủ đầu tư cần có cách ứng xử trách nhiệm hơn và người hoạch định chính sách phải có kiến thức thực tế sát dân hơn.
Gánh nặng chi phí
Về nhà ở, tuy có cải thiện hơn so với trước và chiếm tỉ lệ cao có vẻ cách biệt so với nhóm cho rằng vẫn như cũ và giảm sút, nhưng cần lưu ý rằng tỉ lệ của hai nhóm sau chiếm đến gần 32%. Có nhiều cách giải thích khác nhau về tình trạng nhà ở không bằng trước khi giải tỏa, di dời, nhưng cơ quan thực hiện điều tra cho rằng nguyên nhân chính là do tiền đền bù không bù đắp được nhiều khoản chi phí phát sinh: phải lo cho con ăn học nên không đủ tiền mua nhà mới, phải ở nhà thuê hoặc mua nhà mới, nhà ở xa trung tâm, nhà nhỏ, nhà tạm...
Đi sâu điều tra từng nhóm dân cư tái định cư cho thấy với nhóm được “bù đắp” bằng căn hộ, về mặt hình thức nhà khang trang, không gian tốt hơn trước, nhưng hằng tháng lại phải trả hàng loạt chi phí trước đây không có như bảo vệ, gửi xe, phụ thu tiền điện bơm nước... Riêng những hộ mua căn hộ trả góp, những hộ vay vốn dành cho người bị thu hồi đất (Quỹ 156) thì ngoài những chi phí vừa nêu còn phải trả nợ vay.
Đáng lưu ý, cơ quan thực hiện cuộc điều tra cho rằng phần lớn hộ dân tái định cư có thu nhập thấp nên “những chi phí sinh hoạt nói trên và những khoản nợ vay là quá nhiều” đã trở thành “gánh nặng rất lớn cho họ”. Cuộc điều tra còn chỉ ra một thực tế nhiều hộ không đủ tiền nên phải mua đất nông nghiệp hoặc đất ở tại những khu chưa quy hoạch hoặc quy hoạch nhưng chưa triển khai để tạo lập chỗ ở mới.
Điều rất rủi ro là nhà tạm không sửa chữa được và trong tương lai có thể sẽ tiếp tục bị giải tỏa. Cuộc sống của nhóm dân cư tái định cư này bao lâu nữa mới có thể gọi là ổn định được?
Cả ba nhóm tái định cư bằng căn hộ, bằng nền đất và tự lo nơi ở mới đều gặp phải trở ngại trong việc tái lập cuộc sống mới, nhiều khi dẫn tới việc bán suất tái định cư để “liệu cơm gắp mắm” trong việc tìm kiếm chỗ ở mới hoặc chấp nhận tiếp tục ở tạm bợ, tới đâu tính tới đó...
Xem ra mục tiêu tốt đẹp và thực tế cuộc sống của những hộ tái định cư sau khi nhường đất cho các dự án mang tên “cải thiện cuộc sống” còn lâu mới tiệm cận nhau.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet