Đà Nẵng: Gian nan công tác thu nợ tiền đất tái định cư
Đà Nẵng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hồi nợ tiền đất tái định cư. Do đó, Đà Nẵng đang rất cần sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để sớm có cơ chế tháo gỡ, hỗ trợ các hộ dân nợ tiền đất tái định cư, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai.
Trong nhiều năm qua, trên địa bàn cả nước, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác quy hoạch phát triển đô thị. Đà Nẵng là đô thị khang trang, quy củ như ngày nay là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nhiệt huyết của lãnh đạo chính quyền địa phương để đưa ra các giải pháp hiệu quả, thiết thực trong công tác quy hoạch, sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện giải tỏa đền bù, tái định cư về nơi ở mới theo chủ trương của chính quyền…
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đáng bàn đằng sau đó. Chính quyền đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân như miễn giảm, cho nợ tiền sử dụng đất với người dân khó khăn nằm trong diện giải tỏa đền bù. Trong đó, giải pháp cho người dân ghi nợ tiền sử dụng đất, rồi quy thành vàng đã kéo theo những hạn chế.
Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác thu hồi nợ tiền đất tái định cư |
Báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng cho thấy, đến nay, tổng cộng có khoảng 11.636 hộ ghi nợ tiền sử dụng đất, số tiền gốc là 1.642 tỷ đồng (686.692 chỉ vàng) và số tiền lãi là 496 tỷ đồng.
Nhưng chỉ có khoảng 833 hộ trả nợ, với 179,1 tỷ đồng tiền gốc (9.928 chỉ vàng) và 6,48 tỷ đồng tiền lãi. Còn lại, 10.803 hộ nợ với số tiền gốc là 1.463 tỷ đồng (676.764 chỉ vàng) và số tiền lãi là 489,5 tỷ đồng. Số hộ đã trả nợ chỉ chiếm 7,16% tổng số hộ ghi nợ, người dân trả nợ tiền đất tái định cư rất chậm. Dù chính quyền Đà Nẵng đã tìm mọi giải pháp để thu hồi nợ tiền sử dụng đất tái định cư nhưng người dân vẫn trả rất chậm.
Thực hiện sáng kiến của ông Lê Văn Minh, Giám đốc SeaBank chi nhánh Đà Nẵng, từ năm 2013, ngành ngân hàng thành phố đã phối hợp với chính quyền và các ban quản lý dự án tìm đến các hộ dân còn nợ tiền sử dụng đất tái định cư, khảo sát thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai để làm sổ đỏ. Từ đó, ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để giúp người dân trả nợ tiền sử dụng đất.
Ông Minh cho biết, việc triển khai giải pháp trên trong hơn 3 năm đã giúp các hộ dân nắm bắt thông tin và thay đổi nhận thức. Đà Nẵng đã thu được trên 240 tỷ đồng tiền nợ sử dụng đất, giải quyết khoảng 1.000 hồ sơ. Tuy nhiên, công tác này đang chậm lại khi thành phố hiện đang thay đổi một số chủ trương hỗ trợ người dân nộp tiền sử dụng đất theo quy định mới của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng lại cho biết, còn hàng ngàn hộ dân nợ tiền đất tái định cư đã quá hạn. Theo ông Trần Nam Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng, thường những hộ thực sự khó khăn mới ghi nợ tiền đất.
Ngoài ra, người dân chỉ cầm một bản hợp đồng ghi nợ rồi lo ổn định đời sống sau giải tỏa mà ít cập nhật thông tin về chính sách thu nợ tiền đất, không để ý đến thời hạn trả nợ và nhiều khó khăn phát sinh khác khiến họ chưa trả được nợ.
Ông Hưng chia sẻ, gần đây, chưa kể nhiều hộ đến gặp trực tiếp cán bộ lãnh đạo để phản ánh, trung tâm phát triển quỹ đất thành phố đã nhận hơn 300 đơn kiến nghị, xin cứu xét của các hộ dân còn nợ tiền đất về số tiền nợ tăng cao.
Trước khó khăn của người dân, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách để động viên, khuyến khích người dân sớm trả nợ. Gần đây nhất, thành phố đã kiến nghị với Chính phủ và Bộ Tài chính xin giãn nợ và có những chính sách để tạo điều kiện cho người dân trả nợ…
Có thể nói, Đà Nẵng hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hồi nợ tiền đất tái định cư. Do đó, Đà Nẵng đang rất cần sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để sớm có cơ chế tháo gỡ, hỗ trợ các hộ dân nợ tiền đất tái định cư, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet