Đà Nẵng: Sàn giao dịch bất động sản tự phát đua nhau mọc thời sốt đất
Số sàn giao dịch bất động sản hợp pháp tại Đà Nẵng chỉ có tổng cộng 17 sàn với 780 người có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, trong các đợt "sốt đất" thời gian qua, có tới hàng nghìn "sàn giao dịch bất động sản" mọc lên, còn lượng người hành nghề thì... không đếm xuể.
Bà Mai Thị Thùy Linh, Trưởng Phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết vừa qua Sở đã tham mưu cho thành phố ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Văn bản khuyến cáo người dân khi tham gia giao dịch bất động sản, công văn chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản cũng đã được Sở ban hành kịp thời.
Chưa thể xử lý hết các ki ốt bất động sản trái phép
Các ki ốt giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng tập trung trên địa bàn 4 quận, chủ yếu ở các khu đô thị mới: khu vực Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và Hòa Hiệp Nam, Hòa Minh (quận Liên Chiểu).
Tại các khu vực trên, mỗi nơi có tới 200-300 ki ốt được dựng lên và tự phong là "văn phòng giao dịch bất động sản", "sàn giao dịch bất động sản". Trong đó "nóng" nhất là tại khu đô thị Golden Hill (huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu). Kể từ sau Tết đến nay, rất nhiều "văn phòng giao dịch" dạng ki ốt này mới được dựng lên.
Tất nhiên, không thể tìm được các chứng chỉ hành nghề hoặc thông tin chứng minh hoạt động tại các "sàn" tự phát này. Trên bảng giới thiệu chỉ ghi số điện thoại và tên của người đứng quầy.
PV đến tìm hiểu tại ki ốt mang tên "văn phòng giao dịch bất động sản T.D" trong khu đô thị Golden Hill (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) thì được một nam thanh niên tên T. tự giới thiệu: "Cứ nhìn tuần qua có bao nhiêu quầy mở như tôi là biết liền. Tôi có quầy bên Hòa Xuân nhưng tạm đóng qua đây mở được một tuần vì bên này đang giao dịch sôi động hơn".
Khi nhóm PV tỏ ra "quan ngại" vì T. không đưa được ra chứng chỉ hành nghề, chứng minh thân thế thì người này giải thích: "Văn phòng tôi đây, số điện thoại tôi đây. Sổ đỏ ai mua thì tôi đưa xem, cho chụp lại". T. cũng thừa nhận do chỉ giới thiệu khách "mấy lô của ông anh trong nhà" nên không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Ông Nguyễn Nhường, phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cũng xác nhận với Tuổi trẻ, hiện trên các tuyến đường của quận xuất hiện tình trạng chiếm dụng đất đai, vỉa hè để làm các lều quán, container, ki ốt kinh doanh bất động sản trái phép.
"Quận sẽ cho các đơn vị lấn chiếm 'tối hậu thư' trong vòng 24 tiếng kể từ ngày nhận thông báo phải tháo dỡ công trình vi phạm nhưng chưa xử lý hết được vì có quá nhiều ki ốt phải... gửi thông báo", ông Nhường nói.
"Sàn giao dịch bất động sản" mới dựng chen chúc trên một tuyến đường
trong khu đô thị Golden Hill (Đà Nẵng). Ảnh: TR.Trung
Rủi ro cho người mua, thất thu thuế của Nhà nước
Theo thông tin cung cấp từ ông Thái Ngọc Trung, phó giám đốc Sở Xây dựng, cơ quan này đã có văn bản gửi các quận, huyện trên địa bàn đề nghị tháo dỡ các ki ốt giao dịch bất động sản trái phép.
Những ki ốt nêu trên dựng lên khiến ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, và là nơi giao dịch bất động sản không đúng quy định, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội.
Sở cũng đã chỉ đạo UBND các quận, huyện yêu cầu lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra xử lý tháo dỡ các ki ốt không đúng theo quy định nằm trên địa bàn phụ trách, báo cáo kết quả xử lý về UBND TP. Đà Nẵng và Sở trước ngày 10/4.
Liên quan vụ việc, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản (Đà Nẵng) cũng nhận định, hầu hết các ki ốt kinh doanh bất động sản đều do người dân tự xây dựng, ít có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, các cá nhân môi giới độc lập, nhóm môi giới chưa được phép kinh doanh vẫn ngang nhiên đặt tên là "văn phòng môi giới" gây nhầm lẫn cho người mua.
"Trong trường hợp được cấp phép xây dựng cũng cần xem lại chủ thể đang kinh doanh đã được cấp phép xây dựng ki ốt là doanh nghiệp có đủ các yếu tố về thành lập sàn giao dịch theo hướng dẫn cụ thể tại điều 24 thông tư 11 năm 2015 của Bộ Xây dựng hay không?", ông Lập nêu ý kiến.
Đồng thời, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản Đà Nẵng phân tích thêm: "Trường hợp nếu chủ ki ốt là một cá nhân được cấp phép xây dựng thì tất cả các thành viên đều phải có chứng chỉ hành nghề và phải đăng ký với cơ quan thuế".
Ông Lập cũng cho rằng, việc giao dịch qua sàn sẽ giúp người mua đỡ mất nhiều thời gian hơn vì chỉ những lô đất đủ tiêu chuẩn mới được đưa lên sàn.
Hơn nữa, các giao dịch tại sàn không chỉ đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý, diễn ra nhanh gọn, tốn ít thời gian, ít gặp rủi ro mà còn được Nhà nước kiểm soát. Đây cũng là việc làm giúp Nhà nước không bị thất thoát thuế.
"Sàn giao dịch" trên Facebook cung cấp tin giả Không chỉ các ki ốt "chui" diễn ra hoạt động môi giới sôi động mà các cò đất cũng tận dụng triệt để các "sàn giao dịch" trên Facebook để rao vặt nhà đất, thu hút nhiều người theo dõi. Lượng thông tin đăng tải trên mạng xã hội này tính theo từng phút với đủ các giao dịch mua bán từ đất nền, nhà ở, căn hộ chung cư đến thuê nhà, thuê hàng quán kinh doanh... Nhờ hình thức trực tuyến này, việc tìm hiểu thông tin địa ốc của khách hàng từ các địa phương trong và ngoài nước trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên đây cũng là nơi phát tán các quyết định, công văn giả mạo chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam liên quan đến các hoạt động đầu tư để thổi giá đất cát vừa qua. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet