'Dài cổ' chờ vốn ưu đãi nhà ở xã hội
Đã sang năm mới 2018 nhưng Ngân hàng chính sách xã hội vẫn chưa có dư nợ tín dụng về nhà ở xã hội. Trong khi đó, suốt 2 năm qua, rất nhiều quyết định về lãi suất ưu đãi 4,8%/năm đối với loại nhà ở này liên tục được Chính phủ ban hành.
Trên thực tế, việc quyết định bố trí ngân sách cũng như động thái thực hiện đều rất chậm chạp. Đây cũng chính là lý do khiến việc thực hiện chính sách lãi suất cho vay nhà ở xã hội bị tắc.
Chưa triển khai không phải vì thiếu tiền
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, theo quy định của Luật Nhà ở thì đối tượng hưởng ưu đãi về tín dụng bao gồm cả người mua, thuê mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phê duyệt Chương trình mục tiêu được phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 trong đó có danh mục 21 chương trình nhưng lại không có nội dung về thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
"Như vậy, chính sách ban hành thì nhanh nhưng ngân sách lại bố trí chậm. Mà không bố trí ngân sách thì không có tiền để thực hiện. Phải đưa vào danh mục thì Chính phủ mới có trách nhiệm bố trí ngân sách chi cho nhà ở xã hội", ông Châu nhận xét.
Sau một thời gian im ắng, đến ngày 26/4/2017, UBTVQH mới có văn bản gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Với phần vốn còn lại, Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung 2.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để dành một phần tiền trong đó nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020.
Ngoài ra, trên thực tế thì chính sách nhà ở xã hội cũng không được hưởng trọn vẹn 2.000 tỉ đồng này mà chỉ được sử dụng phần còn lại sau khi đã thực hiện chính sách cho người có công. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã lấy ra 740 tỉ đồng để thực hiện chính sách đối với người có công, nghĩa là trên lý thuyết, chính sách nhà ở xã hội thực ra chỉ có 1.260 tỉ đồng.
"Tuy nhiên, tới hết năm 2017, tại Ngân hàng Chính sách xã hội chưa hề có dư nợ về nhà ở xã hội do Ngân hàng này chưa hề thực hiện. Như vậy, đến lúc bố trí được nguồn vốn mà vẫn không triển khai được", ông Châu nêu rõ.
Sự chậm trễ trong thực hiện chính sách như nói trên khiến nhiều người mua nhà ở xã hội phải trả lãi suất từ 9 - 10%/năm trong thời gian qua. Một số trường hợp nhận ưu đãi lãi suất 7%/năm từ phía chủ đầu tư trong một vài năm đầu nhưng lại phải đối mặt với lãi suất thả nổi trong các năm tiếp theo.
Do không giao nhà đúng cam kết, một dự án nhà ở xã hội tại TP. Nha
Trang, Khánh Hòa bị khách hàng phản ứng. Ảnh: Kỳ Nam
Chủ đầu tư cũng bất lợi
Đối với các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở thì các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng nằm trong nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi lãi suất và nguồn tín dụng nhà ở xã hội. Tuy vậy, bắt đầu từ ngày 1/6/2016, ưu đãi nhà ở xã hội đã không còn hiệu lực với các chủ đầu tư, trong đó có cả các dự án mà doanh nghiệp chưa hoàn thiện xong. Đây là nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp buộc phải làm hàng ngàn căn nhà ở xã hội bằng vốn của công ty.
Trước những khó khăn về vốn triển khai, đại diện một doanh nghiệp bất động sản than phiền: "Nhu cầu nhà ở xã hội luôn luôn lớn nên dù không được ưu đãi vốn từ phía nhà nước thì khi đầu tư vào phân khúc này, doanh nghiệp vẫn không đến nỗi không có lãi. Tuy nhiên, do người mua nhà không thể tiếp cận được vốn lãi suất thấp, phải vay thương mại với lãi suất gấp đôi cùng nhiều điều kiện ngặt nghèo khác nên khả năng tiếp cận nhà ở của họ giảm xuống. Khi đó, doanh nghiệp phải hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà trong thời hạn nhất định nên bị hạn chế tối đa mức lợi nhuận".
Trong số các trường hợp doanh nghiệp phải chia sẻ lợi ích với người mua nhà ở xã hội có thể kể tới Công ty CP Đầu tư Hải Phát với dự án The Vesta (quận Hà Đông, Hà Nội). Được biết, sau khi không còn được nhận hỗ trợ từ gói vay 30.000 tỷ, Hải Phát có chính sách cho khách hàng vay tiền mua nhà với lãi suất 5% trong vòng 10 năm đầu. Mức lãi suất này ngang bằng với chính sách được Thủ tướng ban hành, với phần lãi suất vượt trên mức này, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ người mua. Một dự án khác là Bamboo Garden (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) cũng nhận được ưu đãi tương tự từ chủ đầu tư. Cụ thể, CEO Group cho các khách hàng thanh toán đủ 45% giá trị căn hộ sẽ được hưởng lãi suất 5% trong 5 năm đầu. Tuy nhiên, bất lợi của dự án này là có vị trí khá xa nội thành TP. Hà Nội. Còn đối với các dự án gần trung tâm hơn, khách hàng khó có thể mong chờ sự hỗ trợ như vậy từ chủ đầu tư vì chi phí xây dựng dự án rất lớn.
Sẽ thực hiện trong năm 2018? Theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì cơ quan này hiện đã tập trung nghiên cứu cơ chế và tập huấn cho các đơn vị địa phương về các quy trình nghiệp vụ cho vay mua nhà xã hội cũng như huy động nguồn lực vốn từ dân cư để chuẩn bị cho chương trình ưu đãi này. Mặc dù chưa có thông báo chính thức nào về việc thực hiện cho vay nhà ở xã hội nhưng Ngân hàng này cho rằng sẽ thực hiện cho vay ngay từ đầu năm 2018. Đại diện Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, Nhà nước nên chia nguồn vốn 1.260 tỉ đồng cho các ngân hàng từng thực hiện chính sách nhà ở xã hội hiệu quả, có thể kể đến một số cái tên như: Vietcombank, BIDV, Agribank…Các ngân hàng cùng làm thì hiệu quả sẽ tốt hơn. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet