Đất đang bị tranh chấp, có được cấp sổ đỏ?
Hỏi: Ông A. là người có hộ khẩu thuộc thị xã Thái Bình cũ, gia đình tôi thuộc huyện Vũ Thư. Năm 1984 ông A. mua mảnh đất 180m2 (nơi hiện gia đình tôi đang ở), nhưng không ở đó mà bỏ trống, đi nơi khác sinh sống.
Năm 1985, bố mẹ tôi sau một thời gian đi xây dựng kinh tế mới đã trở về địa phương và ở tại mảnh đất này.
Năm 1986 ông A. về đòi đất nhưng không được. Năm 1987 khi xã tiến hành đo đất cho dân địa phương gia đình tôi cũng được đo đất. Từ đó đến nay ông A. cũng có nhiều lần quay lại kiện gia đình tôi nhưng không giải quyết được. Tính từ ngày ông A. đi gia đình đã nộp thuế được 26 năm. Năm 2004 khi địa phương đo lại đất để cấp sổ đỏ thì tất cả hồ sơ mảnh đất 270m2 đều mang tên bố tôi.
Xin được hỏi, trong trường hợp này gia đình tôi có thể tiến hành làm sổ đỏ cho mảnh đất? Ông A. bằng đấy năm không nộp thuế liệu còn quyền gì trên mảnh đất đó không? (Tuấn Hoàng Văn)
- Trả lời:
1. Theo thư bạn nêu, trường hợp của gia đình bạn có thể xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 4 điều 50 Luật đất đai năm 2003.
Theo quy định này, nếu gia đình bạn sử dụng đất không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định (tham khảo Điều 50 Luật đất đai năm 2003) nhưng đất đã được được sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, sẽ được cấp Giấy chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Đất không có tranh chấp,
(ii) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất).
Đất được xem là sử dụng ổn định trong trường hợp gia đình bạn sử dụng đất liên tục cho một mục đích chính nhất định kể từ thời bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận, nếu có sự thay đổi về người sử dụng đất và sự thay đổi đó không phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất là một trong những căn cứ để xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất của gia đình bạn (Bạn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này tại Văn bản số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007).
Sau khi đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận, UBND xã, thị trấn nơi có đất sẽ có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, xác nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận về tình trạng tranh chấp quyền sử dụng đất.
Trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai, UBND sẽ kiểm tra, xác nhận về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được xét duyệt (Nghị định số 88 ngày 19-10-2009 của Chính phủ).
2. Về nguyên tắc, ông A. vẫn có quyền tranh chấp quyền sử dụng đất, nếu vụ việc tranh chấp của ông A. liên quan đến quyền sử dụng này chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Cũng xin lưu ý với bạn, chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra là một trong những căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp.
Các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thường phức tạp, kéo dài. Trong trường hợp có tranh chấp, các bên nên giải quyết với nhau trên tinh thần hòa giải, thương lượng.
Trân trọng.
Theo Tuổi Trẻ
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet