Đất màu mỡ bỏ hoang tại ĐBSCL
Do áp lực trở thành tỉnh, thành công nghiệp hóa đến năm 2020, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đang chạy đua, tăng dần tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp. Thế là đầu tư KCN tràn lan, bất chấp nhu cầu thực tế.
Đua nhau làm
Vào năm 1990, cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong GDP của ĐBSCL là 38%-8%-54% đã chuyển dịch thành 49,5%-18,5%-32% vào năm 2000, rồi chững lại ở mức 45,5%-22,9%-31,6% vào năm 2010. Như vậy, tốc độ chuyển dịch cơ cấu của ĐBSCL trong giai đoạn 2000-2010 đã chậm hẳn lại so với giai đoạn 1990-2000. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại đã đi được quá nửa chặng đường. Dưới áp lực này, nhiều tỉnh, thành đã đua nhau mở KCN để thu hút đầu tư và tăng tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp. Nhưng tình trạng chung của các KCN ở ĐBSCL là mạnh ai nấy làm, dẫn đến hàng loạt khu đất bỏ phí nhiều năm liền.
Khu đất trống trong KCN Sông Hậu (xã Đông Thành, huyện Châu Thành, Hậu Giang) bỏ hoang, cỏ mọc um tùm được người dân tận dụng chăn bò |
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vừa công bố, nếu như năm 2005, toàn vùng ĐBSCL quy hoạch và hình thành 111 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích đất là 24.091 ha thì tính đến nay, con số này tăng lên 288 khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, xây dựng, với diện tích 42.000 ha. Trong đó, có đến 92% diện tích đất quy hoạch chưa đưa vào sử dụng. Trong kế hoạch ĐBSCL (MDP) do chính phủ Hà Lan thực hiện nêu rõ giữa các tỉnh, thành ĐBSCL có sự cạnh tranh rất lớn để thu hút đầu tư công nghiệp cho phát triển kinh tế. Chính vì vậy đã làm cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp màu mỡ dọc sông Tiền và sông Hậu nhường chỗ cho các KCN mọc lên. Tuy nhiên, hiện nay trung bình chỉ 30% - 40% diện tích các KCN được phủ kín bởi các nhà máy, xí nghiệp.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng chính tư duy cục bộ, thường chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của tỉnh nhà đã phá vỡ quy hoạch chung của toàn vùng. Hiện các tỉnh ĐBSCL vẫn đang tiếp tục mở thêm nhiều KCN mới bất chấp chi phí đầu tư hạ tầng KCN cao hơn so với nhiều vùng khác do hình thành trên nền đất yếu. Theo khảo sát của VCCI Cần Thơ, tại Long An, 1 ha đất phải chi tới 3-3,5 tỉ đồng cho việc san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Tại Vĩnh Long, Trà Vinh, con số này là 1,8-2 tỉ đồng, chưa kể các chi phí khác. “Các KCN mở ra chiếm đất đáng kể, lấn vào diện tích đất nông nghiệp và ảnh hưởng đến hệ sinh thái nhưng mức độ đóng góp cho kinh tế địa phương rất thấp cũng như không cải thiện việc làm cho người lao động bao nhiêu” - TS Vũ Thành Tự Anh nhận xét.
Không có cơ quan điều phối
GS-TS Võ Tòng Xuân phân tích: “Thậm chí trong cùng một tỉnh, các huyện còn xây thêm cụm công nghiệp. Không cơ quan nào điều phối và cân đối nhu cầu công nghiệp hóa để cho nông dân bị mất đất nông nghiệp ngày càng nhiều, trong khi đất dự án thì bỏ hoang. Những nông dân bị mất đất nông nghiệp, một phần nhỏ được vào làm trong KCN gần nhà, phần lớn di cư lên thành phố tìm việc”. TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng có một nghịch lý là trong khi vốn dành cho các dự án giao thông không đủ, các dự án nông nghiệp thì than thiếu vốn triền miên nhưng tiền cứ đổ vào các KCN bỏ hoang. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ KCN yếu và thiếu do không được quy hoạch và đầu tư đồng bộ với hạ tầng KCN.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thường tập trung vào các KCN. Nhưng theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, trong các cuộc làm việc với tổng lãnh sự một số nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Canada, Nhật Bản…, họ nói doanh nghiệp nước họ hầu như không biết gì về ĐBSCL. Những thông tin về ĐBSCL thường chỉ được biết đến như là vùng đất hay bị lũ lụt, phải cứu trợ, nguồn nhân lực thiếu chuyên môn... Thực tế, hiện đầu tư FDI vào ĐBSCL chỉ chiếm 2% tổng vốn của cả nước.
Teo tóp hoàn tóp teo
Các chuyên gia Hà Lan chỉ ra rằng với những mục tiêu phát triển trong tương lai, ĐBSCL cần tăng diện tích đô thị lên 350.000 ha và đất cho các KCN tập trung là 40.000-50.000 ha. Những diện tích đất này lấy từ đất nông nghiệp, vì vậy cần thiết phải đưa ra một biện pháp tiếp cận quy hoạch không gian tổng hợp giữa các ngành. Theo cách này, việc bố trí nhà máy phải thích hợp với lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, không mâu thuẫn với đất nông nghiệp giá trị cao và các đơn vị phải có khả năng tốt hơn để tham gia vào lực lượng cạnh tranh trong thị trường nội địa và quốc tế.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet