Đất quy hoạch tại Bình Chánh (Tp.HCM) được xây tạm để kinh doanh
Đất trống trong khu dân cư tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM không phù hợp quy hoạch được làm nhà hàng sân vườn, sân bóng, câu cá giải trí...
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đoàn Nhựt cho biết, nhà ở thuộc phạm vi lộ giới các tuyến đường lớn, quốc lộ, tỉnh lộ nhưng chưa có quyết định thu hồi đất sẽ được cấp phép xây dựng có thời hạn với quy mô hai tầng. Còn công trình có thời hạn trong khu vực dân cư bình thường được xây tối đa ba tầng. Đó là nội dung trong dự thảo quy chế chuẩn bị ban hành vào giữa tháng 12 về việc cấp phép xây dựng trên địa bàn huyện.
Đưa ra quy định càng cụ thể, dân càng có lợi
- Thưa ông, vì sao huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục xây dựng một quy chế riêng về cấp phép xây dựng khi đã có Quyết định 27/2014 của UBND Tp.HCM về cấp phép xây dựng?
Ông Đoàn Nhựt: Quyết định 27 cho phép UBND huyện, quận căn cứ vào tình hình địa phương được cụ thể hóa một số công việc nhằm giải quyết cấp phép xây dựng cho người dân trên địa bàn huyện. Khi quy định càng kỹ, người dân càng hiểu rõ hơn về những việc mình được làm trước khi xin cấp phép xây dựng.
- Trong quy chế của huyện Bình Chánh, có những nội dung chính gì, thưa ông?
Đầu tiên, huyện thông báo rõ là toàn địa bàn huyện sẽ phải thực hiện xin cấp phép xây dựng, chỉ trừ những trường hợp được miễn cấp phép xây dựng đã quy định trong Quyết định 27.
Thứ hai, quy định về quy mô công trình có thời hạn (hay còn gọi là công trình tạm) thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch, tuy nhiên, chưa có quyết định thu hồi đất. Theo đó, nhà ở nằm trong khu dân cư thì được xây ba tầng, trong quy hoạch lộ giới thì được cấp phép có thời hạn với quy mô hai tầng.
Thứ ba, quy định về quy mô và loại hình công trình phục vụ sinh hoạt thể thao, văn hóa trên đất trống (không phân biệt mục đích sử dụng) xen kẽ ở khu dân cư nhưng không phù hợp quy hoạch.
Huyện Bình Chánh hướng người dân đầu tư loại hình ngắn hạn như câu cá giải trí, nhà hàng sân vườn... đối với đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch (ảnh: HTD) |
Người dân sẽ hiểu rõ sẽ được làm gì trên đất của mình trước khi xin phép xây dựng nếu có một cái khung chung như trên. Đồng thời, để giải quyết cấp phép cho dân theo tiêu chí chung, địa phương cũng căn cứ vào đó thay vì phải xem xét từng trường hợp cụ thể.
- Khi thông tin về cấp phép xây dựng được rõ ràng, nhiều người dân cho biết, họ rất phấn khởi nhưng cũng ngại vì bị buộc phải theo khung do huyện đặt ra. Đơn cử như họ phải xây ba tầng, hai tầng, trong khi bản thân không có điều kiện hoặc không có nhu cầu. Như vậy, liệu quy định này có trói buộc người dân?
Thực chất không phải như vậy. Trong trường hợp này, huyện đề ra mức tối đa chứ không phải là một khung bắt buộc. Điều đó có nghĩa là người dân được quyền xây dựng trong giới hạn số tầng như trên tùy theo nhu cầu, điều kiện của mình. Vì vậy, không có chuyện bắt buộc phải xây dựng theo một quy mô như có sự hiểu lầm nói trên.
Cần hậu kiểm chặt để tránh hệ lụy
- Lâu nay, không được xây dựng bất cứ công trình nào đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư không phù hợp quy hoạch thì nên rất lãng phí. Do đó, Quyết định 27 đã “cởi trói” phần nào với quy định cho người dân xây dựng một số công trình phục vụ thể thao, văn hóa. Quy định này, huyện Bình Chánh hướng dẫn như thế nào?
Với loại hình này, quy mô công trình vẫn một tầng như quy định tại Quyết định 27. Đối với loại hình cụ thể, huyện nhắm đến tiêu chí là phục vụ cộng đồng như câu cá giải trí, nhà hàng sân vườn... Bởi tiêu chí này đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp điều kiện thực tế của một địa phương vùng ven như huyện Bình Chánh.
Theo đó, các loại hình chủ yếu phục vụ kinh doanh như rạp hát, nhà hàng tiệc cưới sẽ không được cấp phép. Huyện sẽ đề nghị họ chuyển mục đích sử dụng, thực hiện nghĩa vụ tài chính với người có nhu cầu mở loại hình này.
- Việc cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch có thể gây nhiều hệ lụy về sau, ông có lo ngại?
Điều này còn liên quan công tác hậu kiểm. Quy chế của huyện có quy định cụ thể kết cấu, mật độ xây dựng, số tầng để khống chế các chỉ tiêu xây dựng. Đơn cử, nhà hàng sân vườn chỉ được xây 25% diện tích đất, số còn lại bố trí sân vườn. Những quy định đó dựa vào các tiêu chuẩn xây dựng và các quy định trong ngành văn hóa, thể thao...
Thực tế, huyện hướng người dân đầu tư loại hình vốn ít, ngắn hạn với mục đích chủ yếu để tăng thu nhập, chống ô nhiễm, đỡ lãng phí và phức tạp địa bàn khi để đất trống không ai quản lý, trông coi. Khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước để thực hiện quy hoạch, chủ đầu tư phải cam kết tháo dỡ không điều kiện.
- Trao đổi với một số địa phương khác, họ cho rằng, việc liệt kê như trên tuy dễ thực hiện nhưng sẽ rất khó đáp ứng được tất cả trường hợp phát sinh trên thực tế, ý kiến của ông như thế nào?
Dù kỹ như thế nào, quy định cũng không thể bao trùm hết tất cả tình huống trên thực tế. Vì thế, nếu có trường hợp khác biệt nảy sinh trong cuộc sống mà chưa dự liệu được, huyện Bình Chánh sẽ xem xét cụ thể. Không phải khi không được quy định thì đương nhiên từ chối.
Xin cám ơn ông!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet