Đấu giá nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn để xây dựng khu phức hợp cao cấp
Tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, 40% diện tích đất sẽ được đưa đấu giá để hoàn phí di dời ứng trước và thực hiện các giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, những ngày qua đã có thông tin cho rằng toàn bộ diện tích đất của nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ được quy hoạch làm chung cư, trung tâm thương mại cao cấp. Thông tin này là chưa chính xác. Thực tế, chỉ 20 ha đất nghĩa trang này được sử dụng để khu phức hợp dân cư, thương mại. Trong đó, dự kiến, khoảng 18 ha sẽ được đưa ra đấu giá.
Lãnh đạo quận Bình Tân cho hay, kinh phí đầu tư dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa lên đến gần 2.500 tỷ đồng, quy mô di dời thuộc diện rộng, khoảng 44 ha. Do đó, Tp.HCM phải chia dự án này thành nhiều giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2011-2017) thực hiện 12,9 ha, tổng vốn đầu tư 784,56 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2017-2019), quy mô 11,54 ha, kinh phí 749,6 tỷ đồng. Giai đoạn 3 (2018-2020), quy mô 20,158 ha, kinh phí ước tính 948 tỷ đồng.
40% đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ được đấu giá. Ảnh: Quỳnh Nguyễn |
Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ nghĩa trang sẽ là công viên cây xanh và tiện ích để phục vụ cho 300.000 dân xung quanh. Tuy nhiên khi triển khai, chi phí để giải tỏa, di dời các ngôi mộ lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng ngân sách của thành phố không cân đối được.
Trước thực tế này, UBND Tp.HCM đã cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thuộc nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Theo đó, 8 ha làm khu phức hợp, 12 ha dùng làm trung tâm thương mại, 24 ha (54% tổng diện tích nghĩa trang) làm công viên cây xanh.
Việc bổ sung phần đất thương mại, dịch vụ, phức hợp chung cư cao tầng khoảng 18 ha sẽ được dùng để đấu giá quyền sử dụng đất. Hình thức đấu giá này có thể giúp cung ứng đủ kinh phí để di dời toàn bộ nghĩa trang Bình Hưng Hòa ở các giai đoạn tiếp theo và làm tăng khả năng hoàn trả vốn ngân sách thành phố đã ứng trước. Hiện, dự án này vẫn chưa đấu giá và chưa xác định nhà đầu tư tham gia.
Ông Nhựt giải thích, trước đây, quận từng kêu gọi đầu tư bằng cách để doanh nghiệp tự giải tỏa mộ. Tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp đều không dám tiếp nhận vì ngại đụng mồ mả. Do đó, để giải tỏa một phần nghĩa trang Bình Hưng Hòa, UBND quận phải xin ứng trước tiền ngân sách. Khi giải tỏa xong sẽ lấy đất bán và trả lại cho thành phố. Ông Nhựt nói: "Đơn vị thẩm định giá dự toán, nếu đấu giá 18 ha đất nhà ở, thương mại và phức hợp này sẽ thu được 2.496 tỷ đồng, tương đương gần 15 triệu đồng/m2".
Trước đó, Tp.HCM cũng từng giải tỏa các khu đất để làm công viên Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, theo ông Nhựt, việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa khó khăn hơn so với những lần di dời trước.
Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận thống kê, đơn giá bồi thường chi phí đào, bốc, di chuyển, xây dựng lại cho giai đoạn đầu tiên khoảng 2-8 triệu đồng/mộ tùy mức độ thô sơ hay kiên cố. Chi phí hỗ trợ cải táng là 3 triệu đồng/mộ. Giai đoạn 1 (12 ha) còn 4.051 ngôi chưa thực hiện xong, đã bốc được gần 12.500 ngôi mộ. Dự kiến kể từ ngày 31/10/2017 sẽ bốc mộ vắng chủ. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ giai đoạn 1 gần 785 tỷ đồng.
Từ năm 2013, dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Tp.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Đây là công trình mang tính đòn bẩy, thành phố thuận về chủ trương ngưng chôn cất và di dời để nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.
Đây là dự án cải tạo môi trường sống của khoảng hơn 300.000 dân tại khu vực tiếp giáp nghĩa trang (gồm phường Phú Thọ Hòa, Tân Quý, Sơn Kỳ quận Tân Phú và phường Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa quận Bình Tân). Mục đích góp phần thực hiện chỉnh trang, cải tạo bộ mặt đô thị, đẩy lùi phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, giải quyết tình trạng phức tạp về an ninh trật tự tại khu vực này. Tổng số mộ và kim tỉnh là 69.220 mộ. Diện tích đất di dời là 44 ha. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 58 hộ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet