Đề nghị mạnh tay với chủ đầu tư chậm cấp sổ đỏ
Trong cuộc họp với Bộ TN&MT,đại diện nhiều địa phương kiến nghị cần mạnh tay với chủ đầu tư dự án nhà ở chậm thực hiện nghĩa vụ của mình trong quá trình cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà.
Tại cuộc họp giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT) với nhiều địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt GCN) hôm qua, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết thành phố hiện có 220.000 căn hộ thấp tầng và cao tầng nhưng 190.000 căn vẫn chưa được cấp, chủ yếu là lỗi của chủ đầu tư.
Giải quyết vướng mắc, ông Nghĩa cho rằng “ai sai phải chịu trách nhiệm”, vì thế cần tăng cường chế tài xử lý đối với chủ đầu tư các dự án nhà ở chậm thực hiện cấp GCN. Cụ thể, phải quy định thời hạn chấp hành nghĩa vụ cấp GCN dự án nhà ở, cho phép xử lý vi phạm hành chính ở mức cao nhất, không cho chủ đầu tư triển khai các dự án tiếp theo nếu dự án trước đó không hoàn thành việc cấp GCN cho người mua nhà, thậm chí xử lý hình sự nếu cần thiết.
Đại diện Tp.HCM cho biết, nhiều chủ đầu tư trên địa bàn thành phố chây ỳ trong việc làm GCN cho các dự án nhà ở nhưng mức phạt cao nhất chỉ là 10 triệu đồng. Một số trường hợp, chủ đầu tư mang GCN dự án nhà ở để thế chấp ngân hàng. “Tôi kiến nghị trong trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thiện và bán nhà cho người mua nhưng chậm bàn giao GCN thì phải tạo điều kiện cho khách hàng tự làm GCN. Điều này đã có quy định nhưng quy định lại yêu cầu khách hàng phải có hồ sơ thiết kế nên không khả thi trong thực tế”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, hiện nay ở các đô thị có tình trạng chủ đầu tư được Nhà nước giao đất thực hiện dự án, sau đó lại ủy quyền hoặc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án cho các nhà đầu tư khác nên không thể cấp GCN. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, gây khó khăn rất nhiều cho người mua nhà.
Đề nghị miễn phí trước bạ khi cấp sổ đỏ
Theo các đại biểu tham dự cuộc họp, tình trạng tồn đọng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn phổ biến. Đại diện tỉnh Thái Bình cho biết còn 20.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa cấp được do phí trước bạ cao, người dân không có đủ tiền để đóng. Cũng với nguyên nhân này, đại diện tỉnh Đồng Nai xác nhận còn 36.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được ký ban hành nhưng người dân chưa đến nhận. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên giảm mức phí trước bạ để người dân dễ dàng “chạm” đến sổ đỏ hơn.
Ông Lê Văn Lịch - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT thừa nhận phí trước bạ đang ở mức cao. Giảm tiền sử dụng đất sẽ khuyến khích được người sử dụng kê khai đăng ký đất đai theo quy định.
Dự án Khu nhà ở Đại Mỗ thấp tầng đang gặp khó khăn trong việc cấp sổ đỏ. |
Bộ TN-MT cũng đề xuất bỏ quy định phạt chậm nộp tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ cho hộ gia đình cá nhân. Mức phạt hiện hành là 0,05%/ngày, tương đương 18%/năm là quá cao, không khuyến khích được người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến cho việc cấp giấy này bị ách tắc. Đồng thời, đề xuất Chính phủ ra quy định miễn nộp lệ phí trước bạ và chỉ đạo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc không thu phí trước bạ với trường hợp sử dụng đất do ông bà, cha mẹ để lại mà chưa có chứng nhận. Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển cần làm rõ đối tượng, trường hợp và thời gian miễn phí trước bạ.
Gỡ vướng cho đất giấy tay
Hiện nay, nhiều địa phương đang tồn đọng hàng ngàn trường hợp sử dụng đất (SDĐ) chưa có giấy đỏ nhưng đã mua bán đất bằng giấy tờ viết tay, không có công chứng, chứng thực từ ngày 1-7-2004 trở lại đây. Theo quy định hiện hành, các trường hợp này không được làm thủ tục cấp giấy đỏ. Để tháo gỡ ách tắc này, Bộ TN&MT đề nghị những trường hợp nêu trên sẽ được làm thủ tục cấp giấy đỏ nếu đất có nguồn gốc đủ điều kiện cấp giấy.
Với những trường hợp người dân tự lấn chiếm, khai hoang, phá rừng để sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng cho các tỉnh rà soát điều chỉnh quy hoạch SDĐ lâm nghiệp để cấp giấy đỏ cho những trường hợp người dân tự lấn chiếm, khai hoang, phá rừng để sản xuất nông nghiệp đã ổn định từ trước ngày 1-7-2004, trừ trường hợp phá rừng đặc dụng hoặc rừng xung yếu.
Thu tiền SDĐ theo giá quy định cả với phần vượt hạn mức
Theo quy định hiện hành, khi cấp giấy đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ ở vượt hạn mức giao đất ở của địa phương, phần diện tích đất ở vượt hạn mức sẽ phải thu theo giá thực tế do UBND tỉnh, TP quyết định đối với từng trường hợp. Để thực hiện quy định này, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn tính thu tiền SDĐ theo hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp giá thực tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng quy định như vậy là rất phức tạp, khó thực hiện.
Hơn nữa, theo Bộ TN&MT, việc thu như vậy làm cho số tiền SDĐ phải nộp trong trường hợp này tăng thêm quá nhiều. Trong khi đối tượng áp dụng trong trường hợp này chủ yếu là hộ nghèo có thu nhập thấp, đa phần là các hộ gia đình SDĐ có nguồn gốc lâu đời không vi phạm. Đây là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng hiện ở nhiều địa phương, người dân phản ứng không nhận giấy đỏ như báo chí đã phản ánh.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ TN&MT đề nghị sửa đổi theo hướng thu tiền SDĐ khi cấp giấy đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân thống nhất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định đối với cả diện tích trong hạn mức và vượt hạn mức giao đất ở. Bộ lý giải cần giảm mức thu tiền SDĐ để khuyến khích người SDĐ tích cực kê khai đăng ký đất đai theo quy định.
Không phạt chậm nộp tiền SDĐ
Theo quy định hiện hành, trường hợp chậm nộp tiền SDĐ thì bị phạt chậm nộp tiền SDĐ. Nhiều ý kiến cho rằng quy định phạt chậm nộp tiền là không thống nhất với quy định về việc cho phép ghi nợ tiền SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân. Quy định này là không hợp lý vì chỉ có những người dân thiếu hiểu biết về quy định ghi nợ tiền SDĐ hoặc do khó khăn phải đi vay mượn dẫn đến chậm nộp tiền hoặc chậm làm đơn ghi nợ thì mới phải nộp phạt. Hơn nữa, phần lớn các trường hợp người dân đang SDĐ được cấp đều rất bất ngờ với số tiền lớn phải nộp sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế nên việc xoay sở để có đủ tiền nộp trong vòng 30 ngày là rất khó thực hiện.
Mặt khác, với mức tiền phạt tương đương 18%/năm, cộng thêm số tiền SDĐ phải nộp là khá cao, không phù hợp với thu nhập của số đông người dân. Như vậy, sẽ không khuyến khích người dân làm thủ tục cấp giấy đỏ và làm ách tắc trong việc cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bỏ quy định phạt chậm nộp tiền SDĐ khi cấp giấy đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet