Tuy vậy, sau nhiều năm thành lập các KCN chỉ lèo tèo vài nhà máy, có KCN còn là bãi đất trống.

Điểm mặt những khu công nghiệp "treo" tại Thừa Thiên-Huế | ảnh 1
KCN La Sơn đến nay vẫn chỉ có 1 nhà máy. Ảnh: Phan Lê

KCN 1 nhà máy

KCN Phong Điền được thành lập vào tháng 7-2009 với diện tích 400ha. Quy hoạch chi tiết KCN Phong Điền được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt đi qua địa bàn thị trấn Phong Điền, xã Phong Hòa, Phong Thu, chia làm 3 khu: A, B và C nằm cách quốc lộ 1A chừng 1km.

Đây là KCN có vị trí thuận lợi cho việc hình thành các nhà máy. Nhưng đến nay chỉ có 1 nhà máy vào đi vào hoạt động, phần lớn diện tích còn lại của KCN này vẫn còn để trống.

Do đất KCN để trống lâu ngày, thời gian gần đây hàng trăm hộ dân sống xung quanh đã vào trồng sắn. Ông Nguyễn Khoa, người dân ở thôn Trạch Tả, thị trấn Phong Điền, tham gia trồng sắn trong KCN Phong Điền, tâm sự: “KCN Phong Điền treo nhiều năm, không kiểm đếm, đền bù đất cho dân, nếu không sản xuất thì chúng tôi không biết lấy gì sống. Hơn nữa diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị trấn ngày càng bị thu hẹp dần khiến dân thiếu đất sản xuất trầm trọng”.

Còn ông Nguyễn Hải, Trưởng thôn Trạch Tả, cho hay: “Trước đây khi KCN chưa hình thành người dân trong thôn tận dụng đất đai để trồng rừng, trồng mía, trồng sắn... Khi vùng đất này được quy hoạch thành KCN, người dân trong khu vực đã ngừng sản xuất. Tuy nhiên, đợi mãi chẳng thấy KCN triển khai, đất bỏ hoang lâu ngày, nên người dân quay lại trồng sắn”.

Theo ông Hải, KCN được quy hoạch từ năm 2009, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể nào, việc đền bù hiện vật trên đất cũng chưa triển khai. Trước tình trạng đó, người dân trong vùng tận dụng đất bỏ hoang để trồng sắn nhằm tăng thêm thu nhập.

Những KCN không nhà máy

Ngoài KCN Phong Điền, các KCN Quảng Vinh (huyện Quảng Điền), KCN La Sơn (huyện Phú Lộc), KCN Phú Đa (huyện Phú Vang), KCN Tứ Hạ (huyện Hương Trà) cũng đã được quy hoạch. Nhưng từ nhiều năm nay các KCN này vẫn loay hoay tìm nhà đầu tư. Trong lúc đó, hạ tầng ở các KCN này vẫn chưa được xây dựng.

KCN Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, được thành lập vào năm 2009 với diện tích 150ha, nằm ở trảng cát xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền. Dù đã thành lập gần 2 năm, nhưng KCN này vẫn chưa có một dự án nào. Hạ tầng của KCN vẫn y nguyên như khi chưa quy hoạch. Hiện nơi đây có 5 trang trại sản xuất trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Bà Đinh Thị Cúc, một chủ trang trại ở KCN Quảng Vinh, cho biết: “Năm 2000, khi huyện Quảng Điền có chủ trương cho thành lập trang trại trên trảng cát, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác đã mạnh dạn lên đây thành lập trang trại. Hồi đó vùng cát này khô cằn nên rất khó sản xuất. Sau thời gian dài vật lộn giữa vùng cát trắng, giờ đã có chút thu nhập.

Hiện bình quân mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ cây trồng vật nuôi ở trang trại này trên 60 triệu đồng. Vậy mà vùng này được quy hoạch làm KCN, ai cũng thấp thỏm không biết lúc nào đi”. Theo người dân, để hình thành được khu trang trại trên vùng cát trắng phải mất nhiều năm trời.

Những trang trại hình thành trên vùng cát giờ không những mang lại thu nhập cho người dân mà còn chống cát bay, cát lấp. Trong lúc đó, các KCN “treo” mãi nên công sức của người dân bấy lâu nay cải tạo đất sẽ uổng phí.

KCN La Sơn được hình thành vào năm 2009 với diện tích 300ha, tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Trước khi KCN La Sơn hình thành đã có nhà máy chế biến xỉ Titan của Công ty Khoáng sản Thừa Thiên-Huế và từ đó đến nay chỉ duy nhất một nhà máy này tồn tại. Phần còn lại là những diện tích rừng kinh tế, và một ít diện tích đất nghĩa trang.

Ông Lê Công Nhơn, Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, cho biết hiện có khoảng 100 hộ dân đang trồng rừng kinh tế trên KCN, mỗi hộ từ 1-2ha rừng. Phần lớn diện tích rừng ở đây đều giao cho dân 50 năm. Bởi bình quân mỗi ha rừng kinh tế, người dân lãi 5-7 triệu đồng/năm, nếu bị thu hồi, người dân sẽ mất đi một nguồn thu lớn từ sản xuất nông nghiệp trong thời gian dài.

Tương tự, các KCN Phú Đa (huyện Phú Vang), KCN Tứ Hạ (huyện Hương Trà) mặc dù đã hình thành từ nhiều năm nay nhưng vẫn “mỏi mòn” chờ các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Trong 6 KCN trên địa bàn tỉnh thì chỉ có KCN Phú Bài tương đối hoàn chỉnh, các KCN còn lại đang khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, bởi chưa có hạ tầng (đường, điện, nước, khu xử lý rác thải, nước thải…), chưa quy hoạch hoàn chỉnh”.

Theo ông Sơn, việc chưa thu hút được nhà đầu tư còn do quảng bá chưa mạnh. Hiện các KCN đang thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư chung của tỉnh. Tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa ban hành chính sách đầu tư riêng cho các KCN. Hơn nữa, các KCN chưa hoàn chỉnh về hạ tầng.

Mặt khác, các nhà đầu tư tiếp cận mặt bằng rất khó do việc giải phóng đất đai và mặt bằng rất chậm. Trong lúc đó, có không ít nhà đầu tư xin đất nhưng chậm triển khai dự án, tìm cách gia hạn kéo dài.

Việc hình thành các KCN trên địa bàn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, việc hình thành quá nhiều KCN trên đất nông-lâm-nghiệp, khiến đất sản xuất của người dân ngày càng mất dần, trong khi các KCN bị “treo” nhiều năm trời, gây lãng phí tài nguyên và của cải của xã hội.

(Theo ĐTTC)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME