Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại tỉnh Thái Bình và Long An
Thông qua Nghị quyết số 33/NQ-CP, 34/NQ-CP vừa được ban hành, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) đối với 2 tỉnh Long An và Thái Bình.
Cụ thể, đối với tỉnh Long An, theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp tại tỉnh là 322.891ha, chiếm 71,83% diện tích đất toàn tỉnh; diện tích đất phi nông nghiệp là 126.603ha, chiếm 28,17%. Cũng theo quy hoạch, đất đô thị là 26.106ha (chiếm 5,81%), đất khu kinh tế là 13.080ha (chiếm 2,91%).
Trong đất nông nghiệp, đất trồng lúa chiếm tới 54,96%, tương đương 247.061ha. Ngoài ra, còn có 19.846ha đất rừng sản xuất, 24.166ha đất trồng cây lâu năm và 13.547ha đất nuôi trồng thủy sản.
Trong giai đoạn 2016-2020, 18.533ha đất đã được chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong đất nông nghiệp, 37.811ha đất nông nghiệp được chuyển sang đất phi nông nghiệp và 571ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được chuyển sang đất ở.
Đối với tỉnh Thái Bình, đến năm 2020, đất nông nghiệp chiếm 61,51% diện tích đất toàn tỉnh (97.572ha). Trong đó, đất trồng lúa là 74.261ha, chiếm 76,11% diện tích đất nông nghiệp; đất trồng cây lâu năm là 5.899ha; đất nuôi trồng thủy sản là 11.808ha.
Đất phi nông nghiệp của tỉnh có diện tích là 60.826ha, chiếm 38,34% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, 11.344ha đất nông nghiệp đã được chuyển sang đất phi nông nghiệp.
Chính phủ vừa điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại tỉnh Thái Bình và Long An
Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình và Long An xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất; quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu ngân sách; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, không để xảy ra tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Bình và Long An cần đưa ra chính sách phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là ngân sách nhà nước để bảo đảm lợi ích giữa các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng với các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ; tăng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo các khu vực có sự thống nhất, đồng bộ.
Đồng thời, kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm; xử lý những trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet