“Hà Nội không vội được đâu” là câu ví von mà Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Nguyễn Minh Quang thẳng thắn nhận xét khi nói về thủ tục trong đầu tư dự án của Hà Nội tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp trên địa bàn. Theo ông Quang, thủ tục hành chính đang là rào cản doanh nghiệp ngán ngẩm nhất và cần được khơi thông, lược bớt nhằm tạo ra những bước tiến dài.


Ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ tại Sở Xây dựng Tp.HCM

Ông Quang không phải là doanh nghiệp duy nhất phản ứng mạnh mẽ trước những rào cản về hành chính trong việc triển khai một dự án. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GP Invest, cũng cho rằng thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai chẳng khác gì thiên la địa võng.

“Khi làm dự án, doanh nghiệp phải xin ý kiến định hướng của TP, tuy nhiên TP không trực tiếp trả lời mà sẽ hỏi các ban ngành, sở. Sau khi có phản hồi, TP mới ra quyết định đầu tư chung. Sau đó, doanh nghiệp tới một cửa của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) xin chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên, Sở KH-ĐT cũng không trực tiếp trả lời mà sẽ hỏi sang Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng cùng các sở khác và chính quyền quận, tổng cộng cũng gần 6, 7 cơ quan.

Tiếp đó, TP mới ra được giấy chấp nhận đầu tư do Sở KH-ĐT soạn thảo. Khoảng 40 ngày sau khi được chấp nhận đầu tư, Sở KH-ĐT sẽ cấp chứng nhận đầu tư sau khi sở này hỏi lại 6 cơ quan trước đó. Việc lặp đi lặp lại này cũng mất 1-1,5 tháng. Chưa kể các thủ tục về đền bù giải phóng mặt bằng. Như thế, doanh nghiệp nội nghe còn chóng mặt chứ nói gì đến doanh nghiệp nước ngoài” - ông Hiệp cho biết.

Không chỉ những thủ tục trong đầu tư dự án gây khó cho doanh nghiệp, tiền thuế sử dụng đất, tiền thuê đất cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Theo ông Chu Đức Lượng, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Mỹ, chủ đầu Khu công nghiệp Phú Nghĩa, chính sách thuê đất tăng đột biến nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Phú Mỹ có 30ha đất chưa cho thuê được nhưng vẫn phải trả tiền thuê đất.

Theo ông Lượng, TP phải áp dụng khung giá đất tối thiểu để hỗ trợ doanh nghiệp kêu gọi nhà đầu tư thứ phát. Bên cạnh đó, ông đề xuất TP tiếp tục cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển năng động.

Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và USAID tiến hành gần đây, cho thấy khoảng 55% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai trong năm 2013. Theo thống kê, liên quan đến lĩnh vực BĐS, hiện có khoảng 400 văn bản hướng dẫn thi hành các bộ luật và Bộ Xây dựng từng công bố, một dự án thực hiện từ đầu đến cuối phải trải qua 33 thủ tục và thời gian hoàn thành trung bình 3 năm.

Mặc dù liên tục kêu gọi cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực BĐS, tuy nhiên, thực tế cho thấy thủ tục không những không giảm mà còn tăng. Bộ Xây dựng từng nỗ lực giảm số thủ tục khi thực hiện dự án xuống còn 8 thủ tục nhưng thực tế, chỉ giảm được 7 thủ tục với cách thức gộp vào thủ tục khác.

Dẫn chứng cho thực tế này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho biết khoảng 5 năm trước, một dự án chỉ mất khoảng 7 tháng là xong thủ tục hành chính, nay mất 3-5 năm, thậm chí 7 năm mới xong. Như vậy, số tiền nợ ngân hàng của doanh nghiệp cũng theo đó mà tăng. Nếu cắt giảm được 50-70% thủ tục hành chính, tức mỗi dự án doanh nghiệp chỉ mất khoảng 1 năm là xong khâu thủ tục, chắc chắn giá nhà đất sẽ giảm đáng kể.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, nếu thủ tục đất đai không được cải thiện chỉ những nhà đầu tư “chạy" giỏi mới hoàn thành được dự án và số chi phí “mềm” này chiếm con số khổng lồ. Trường hợp không biết chạy, không muốn chạy, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian mới ì ạch về đích. Và từ đó, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải tính những chi phí này vào giá nhà.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều hạn chế. Dù đã được cải cách nhưng vẫn gây tốn kém thời gian, chi phí, thậm chí gây phiền hà. Cơ quan này sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu để đẩy nhanh nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tránh gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết TP sẽ tiếp tục chia nhỏ các lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn kịp thời, thường xuyên.

Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ, hy vọng những lời hứa này sẽ sớm thành hiện thực, bởi thủ tục hành chính không khác gì khu rừng rậm mà doanh nghiệp đang từng ngày phải dò dẫm. Nếu không sớm được khai quang, gánh nặng này có thể khiến nhiều chủ đầu tư lạc lối.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME