Doanh nghiệp xi măng “thoát hiểm” nhờ những tín hiệu đáng mừng
Lâu nay, các doanh nghiệp xi măng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do rất nhiều nguyên nhân, gây ảnh hưởng đến thị giá và thanh khoản cổ phiếu của doanh nghiệp. Nhưng hoạt động của ngành xi măng đang dần khởi sắc kể từ quý II/2018, tạo kỳ vọng sáng cho các doanh nghiệp ngành này trong thời gian tới.
Ảm đảm quý đầu năm
Kết thúc quý đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp xi măng đạt kết quả kinh doanh lẹt đẹt.
Điển hình, tại Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), doanh thu thuần trong quý I/2018 đạt 1.840 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 81,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 3% và 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo HT1 cho biết, tình hình sản xuất - kinh doanh quý I sụt giảm là do sản lượng trong kỳ giảm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xi măng đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hải Vân, Vicem Bút Sơn… cũng đều gặp khó khăn trong quý đầu năm nay.
Với hiện trạng khó khăn của ngành, cũng như kết quả kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp, cổ phiếu của nhóm ngành xi măng thường trong tình cảnh đìu hiu, giá rẻ như rau.
Cụ thể, thị giá cổ phiếu BCC của Xi măng Bỉm Sơn hiện ở quanh mức 6.000-7.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HOM của Xi măng Hoàng Mai chỉ là 3.000-4.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HVX của Xi măng Hải Vân cũng chỉ ở mức 3.000-5.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí nhiều phiên liên tiếp không có thanh khoản. Với HT1, thị giá tốt hơn, quanh mức 13.000 đồng/cổ phiếu, nhưng thanh khoản cũng không cao, trung bình vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Ngành xi măng được dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2018 |
Tín hiệu đáng mừng: Tiêu thụ khởi sắc từ quý II/2018
Tình trạng cung luôn vượt cầu là một trong những tồn tại điển hình của ngành xi măng lâu nay, khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này gặp nhiều khó khăn. Nhưng kể từ quý II/2018, tình hình đã thuận lợi hơn, khi cả xuất khẩu và tiêu thụ xi măng đều tăng mạnh, giúp hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xi măng khởi sắc trở lại.
Lãnh đạo Công ty HT1 cho biết, sau quý I kinh doanh ì ạch, để đạt mục tiêu kinh doanh cả năm 2018, từ quý II trở đi, HT1 đã điều chỉnh giá bán nên sản lượng và doanh thu đã tốt hơn.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, câu chuyện kinh doanh của các DN ngành xi măng năm nay hứa hẹn nhiều tín hiệu đáng mừng khi doanh nghiệp đang dần "thoát hiểm". Giá bán xi măng không chỉ tăng ở trong nước, mà còn tăng ở cả thị trường xuất khẩu, mang lại doanh thu tốt cho doanh nghiệp.
"Nếu như giai đoạn cuối năm 2016-2017, giá clinker xuất khẩu có giá khoảng 27-28 USD/tấn, thì sang năm 2018 đã tăng lên 38-42 USD/tấn. Vừa tăng về sản lượng tiêu thụ, lại có sức bật đáng kể về giá bán, nhiều doanh nghiệp xi măng có thể kinh doanh có lãi trong năm nay”, ông Cung nhận định.
Thống kê mới nhất từ Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm 2018, toàn thị trường tiêu thụ được 43,05 triệu tấn xi măng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 51% kế hoạch năm. Riêng xuất khẩu sản phẩm xi măng đạt 13,76 triệu tấn (gần cán đích kế hoạch 18-19 triệu tấn của cả năm 2018).
Riêng trong tháng 5/2018, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 7,68 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu đạt 2,55 triệu tấn, tăng 35%.
Mục tiêu ngành xi măng đề ra trong năm 2018 là tiêu thụ từ 83-85 triệu tấn sản phẩm. Xuất khẩu xi măng Việt Nam hiện nay chủ yếu sang Trung Quốc khi thị trường này khan hàng bởi một loạt nhà máy xi măng khu vực phía Bắc Trung Quốc đã đóng cửa từ tháng 11/2017 đến tháng 3 năm nay. Sau khi các nhà máy này mở cửa trở lại, lượng xi măng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp xi măng vẫn khá tự tin về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm nay.
Về sự thay đổi của thị trường xuất khẩu, lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay, xi măng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cạnh tranh được do giá xi măng của Trung Quốc vẫn cao. Hơn nữa, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam mua xi măng để xuất khẩu sang châu Phi. Đây cũng là một kênh tiêu thụ đang phát triển mạnh.
Ông Cung dự báo, ngành xi măng có thể đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2018 và như vậy, các doanh nghiệp xi măng cũng sẽ thoát khỏi tình cảnh khó khăn trước đây.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet