Đồng Nai: Cán bộ cũng "xẻ thịt" hồ Trị An?
Nhiều năm qua, hàng trăm mẫu đất công thuộc lòng hồ Trị An vẫn sinh lợi đều đặn cho các “ông chủ” của nó dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ buộc người lấn chiếm đất công phải trả lại đất cho lòng hồ.
Cán bộ coi thường phép nước
Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải, khi còn tại chức, đã chỉ đạo các cá nhân, tập thể phải trả lại nguyên trạng 800ha đất bán ngập lòng hồ Trị An sau khi có kết luận của thanh tra Chính phủ về thực trạng xâm chiếm lòng hồ để chăn nuôi. Tuy nhiên, sau đó không lâu, việc lấn chiếm đất lòng hồ để nuôi cá, làm trang trại nghỉ dưỡng tiếp tục diễn ra ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Theo người dân, trong số người vi phạm có nhiều cán bộ của tỉnh Đồng Nai.Theo chân một người dân địa phương tên S., phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị tìm đến hàng chục điểm suối, đụng chứa (vùng lõm sâu trên bề mặt đất bán ngập lưu lại nước hồ) được cho là của cán bộ địa phương lấn chiếm. Những phần đập chắn của các hồ lấn chiếm trước đây bị buộc phải phá bỏ (từ 5 – 10m) để thông nước từ suối ra hồ nay lại được gia cố, hay xây cống điều tiết nước để nuôi cá. Người dân ở đây đều biết rõ chủ của từng hồ, từ danh tính đến chức vụ.
Có những điểm hồ mới xuất hiện nằm ở vị trí rất “độc” khiến các đoàn kiểm tra khó có thể tìm ra nếu không có dân dẫn đường. “Người ta trồng tràm che mắt nếu đoàn kiểm tra đi bằng canô dưới lòng hồ, trồng mía che mắt nếu đoàn đi bằng đường bộ”, anh S. vừa vạch mía dẫn đường để chúng tôi tiếp cận các hồ này, vừa nói. Điểm chung của các hồ cá lấn chiếm đất công là đều nằm vượt xa cột mốc mực nước quy định, nằm ở vị trí cao, nước mênh mông trong khi lòng hồ Trị An trơ đáy vì thiếu nước.
Vậy là chỉ đạo “trả lại nguyên trạng” vùng đất bán ngập ở hồ Trị An của Thủ tướng Chính phủ đã không tồn tại trong thực tế. Có những hồ rộng 30 – 50 mẫu đã tồn tại hơn chục năm nay như một sự thách thức dư luận. Hồ nào cũng có người canh gác và sẵn sàng xua đuổi, hành hung nếu có ai dám lại gần.
Lấn chiếm hồ gây mất cân bằng sinh thái
Theo các chuyên gia sinh học, vùng hồ Trị An có nhiều loài cá quý hiếm có tập tính ngược dòng đẻ trứng vào đầu mùa mưa. Việc xuất hiện các hồ chứa nước ở các suối, đụng chứa nước đầu nguồn khiến cá không thể sinh sản theo đúng quy trình tự nhiên của mình. Mặt khác, các chủ hồ được hưởng lợi nếu giăng lưới đầu mùa để đón cá ngược dòng và thu hoạch một lượng cá trứng không nhỏ. Hai nguyên nhân này sẽ khiến hồ Trị An mất cân bằng sinh học trầm trọng vì cá sẽ ngày càng giảm đi, cá giảm đi thì rong tảo đáy hồ càng tăng lên gây biến đổi màu sắc lẫn chất lượng nước.
Dân mất lòng tin
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ cuối năm 2008 đến nay có hàng chục hồ mới xuất hiện trên vùng đất bán ngập của Trị An nhưng theo báo cáo thì toàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 16 trường hợp bị phát hiện và xử lý. Trong 16 trường hợp vi phạm này thì Định Quán chiếm 15 vụ, Vĩnh Cửu 1 vụ. Trong khi đó, theo người dân địa phương, tuy cùng vi phạm nhưng có chỗ bị xử lý, chỗ lại không.“Những chỗ mà chính quyền huyện Định Quán xử lý chỉ rộng có mấy sào, vài mẫu và đa số là của dân. Ngược lại, hồ của cán bộ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh từ chục mẫu trở lên lại không bị đụng đến”, lão nông N. ở Phú Ngọc cho hay. Theo ông N., các chủ hồ có ba cách để trục lợi từ việc lấn chiếm: cho thuê hồ với giá từ 50 – 200 triệu đồng/năm và tăng giá cho thuê theo giá thị trường; bán sang tay không giấy tờ từ 500 triệu đồng đến vài tỉ đồng tuỳ theo diện tích hồ; để người khác đứng tên khai thác hoặc cho thuê hay bán.
Ông U., một cựu chiến binh có năm mẫu đất bị một cán bộ địa phương ép bán với giá 2 triệu đồng/mẫu bức xúc. Còn bà N. thì lắc đầu: “Từ sau chỉ đạo của Thủ tướng năm 2004 thì việc kiểm tra có rầm rộ một thời gian rồi đâu lại vào đấy, quan chức vi phạm, dân mất hết lòng tin”.
Đánh giá vấn đề trên, ông Lê Sĩ Lâm, phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, nói: “Tôi mới về đây công tác nên chưa nắm hết nhưng vừa rồi kiểm tra và phạt 15 trường hợp mới về lấn chiếm đất công ở Định Quán đều là do người dân làm. Các trường hợp cũ có liên quan đến các quan chức thì Chính phủ đã chỉ đạo xử lý từ năm 2004 nên địa phương không xử lý nữa”. Tuy nhiên, ông Lâm cũng thừa nhận có nhiều cán bộ đương chức lẫn về hưu của tỉnh Đồng Nai có hồ cá từ đất công nhưng để biết chính xác họ đã bán hay cho thuê thì còn phải xác minh!
Được biết mới đây, tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo kiểm tra việc lấn chiếm. Ông Nguyễn Kim Phúc, giám đốc nhà máy Thủy điện Trị An, nói: “Sau khi kiểm tra và báo cáo xong, tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử lý quyết liệt việc lấn chiếm đất công vùng bán ngập hồ Trị An”.
(Theo SGTT)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet