Dòng tiền có chảy vào bất động sản khi ngân hàng tăng cho vay?
Ngân hàng Nhà nước vừa đồng ý cho phép một số ngân hàng nới hạn mức (room) tín dụng. Điều này dấy lên lo ngại nếu dòng tiền chảy vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản hay chứng khoán sẽ gây nguy cơ nợ xấu và áp lực lạm phát.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước cần nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 từ mức 18%/năm như kế hoạch đầu năm lên mức 21-22% và giảm tiếp lãi suất cho vay 0,5% để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Việc nới room được thực hiện sau chỉ đạo này của Thủ tướng.
Các chuyên gia tính toán rằng, muốn đạt được mức tăng như định hướng, từ nay đến cuối năm Ngân hàng sẽ phải cung ra thị trường 700.000 tỉ đồng. Đây là mức khá cao so với những năm gần đây.
Nới room kèm điều kiện
Theo tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ, mức nới room đối với nhóm Ngân hàng thương mại gốc nhà nước là 18%. Ví dụ, hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank đều có cùng hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng lên 18% thay vì 16% như trước. Trong khi đó, một số Ngân hàng cổ phần như SCB, ACB... thì mức nới room tín dụng là 20%.
Ông Phạm Mạnh Thắng, P.TGĐ Vietcombank nhận xét, dù cho tăng hạn mức tín dụng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các ngân hàng phải tập trung vốn cho một số lĩnh vực ưu tiên. Đối với những lĩnh vực có độ rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải giám sát chặt chẽ nguồn vốn.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, TGĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), cũng cho rằng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khi nới room cho các ngân hàng là tăng tín dụng có kiểm soát. Vì thế, thực tế thì hạn mức tín dụng được nới không nhiều. Chặng hạn như SCB đầu năm được cho phép tăng tín dụng với tỉ lệ 14%, đến thời điểm này đã thực hiện gần hết room và tiếp tục được nới lên 20%, tức tăng 6% so với mức đầu năm.
Tuy nhiên, lãnh đạo một số Ngân hàng cho rằng, đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại. Theo đó, với những Ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức được cấp, tăng tín dụng an toàn và hiệu quả thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét để cấp thêm hạn mức.
Vị TGĐ một Ngân hàng cũng cho biết, khi cấp thêm hạn mức, Ngân hàng Nhà nước đồng thời cảnh báo các Ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tránh phát sinh thêm nợ xấu mới, không tập trung vốn vào bất động sản.
Theo giới chuyên gia hoạt động cho vay không được quản chặt, sau khi các ngân hàng được nới
tín dụng, có thể dòng tiền sẽ chảy vào bất động sản hoặc chứng khoán. Ảnh: Quang Định
Một số Ngân hàng đánh giá, động thái cấp hạn mức tín dụng ở mức hạn chế, rồi nới dần về những tháng cuối năm của Ngân hàng Nhà nước là phương án quản lý tốt. Phương án này giúp định hướng dòng vốn vào những lĩnh vực an toàn và hiệu quả, tránh việc chạy quá trớn rồi sau đó 'thắng không kịp' như đã từng xảy ra trước đây.
Chẳng hạn, thời điểm cuối năm 2016 nhiều Ngân hàng cùng dừng giải ngân do hết hạn mức, sau đó tín dụng lại được 'bung' khá mạnh trong những tháng đầu năm 2017.
Một lãnh đạo ngân hàng nhận xét, đây là lý do mới chỉ 7- 8 tháng nhưng nhiều Ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức cho vay vốn được giao trong năm 2017, phải xin Ngân hàng Nhà nước cho nới room để có thể cho vay trong những tháng cuối năm.
Vốn sẽ chảy vào đâu?
Dù vậy, các chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại nếu không quản chặt chất lượng tín dụng và thực hiện những biện pháp nhằm ổn định lãi suất, rất có thể việc nới tăng trưởng tín dụng sẽ làm phát sinh nợ xấu, do dòng tiền sẽ chảy vào những lĩnh vực không mong muốn như chứng khoán, bất động sản hoặc cho vay tiêu dùng.
Trong báo cáo kinh tế kỳ tháng 5, một chuyên gia cho biết Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cảnh báo việc xuất hiện một số Ngân hàng 'lách' cho vay bất động sản khi cố tình đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng.
Về điều này, phía các Ngân hàng cho rằng rất khó để làm cho dòng tiền đổ vào những lĩnh vực không mong muốn. Nguyên nhân là vì Ngân hàng Nhà nước quản chặt đầu ra dòng vốn. Đấy là chưa kể các Ngân hàng cũng cam kết không rót vốn vào những lĩnh vực nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Thanh Toại, P.TGĐ ACB khẳng định sẽ ưu tiên dòng tiền cho các lĩnh vực như phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp, cho vay thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, cho vay phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Các lĩnh vực không thuộc diện ưu tiên, Ngân hàng sẽ chọn lọc kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng tín dụng.
Cùng quan điểm, lãnh đạo VietinBank cho biết với hạn mức tín dụng được tăng lên 18%, VietinBank sẽ có dư địa để cho vay, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.
Một lãnh đạo của VietinBank cũng cam kết, riêng với lĩnh vực bất động sản, chúng tôi sẽ kiểm soát chặt, chỉ duyệt cho vay những dự án tốt và có giá bán phù hợp, không cho vay để đầu cơ.
Nhiều ngân hàng khác cũng khẳng định thay vì tập trung vào bất động sản họ sẽ chủ yếu cho vay vào lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Riêng với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay để mua nhà ở trả nợ từ lương hoặc kinh doanh..., rất khó có thể tạo sự đột phá trong những tháng cuối năm bởi giá nhà đất trên thị trường hiện nay đã ở mức khá cao.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet