Dự án Luật Đất đai được đưa lên bàn nghị sự Quốc hội
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp thứ 11 vào sáng ngày 17/9.
Theo bản dự thảo được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày tại phiên họp, tới đây vẫn chỉ có một hình thức sở hữu duy nhất là sở hữu toàn dân đối với đất đai. Chương 2, điều 12 của dự thảo luật quy định rõ: “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất; thu hồi đất, định giá đất…
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Anh Phương |
Điều 15 của dự thảo Luật cũng nhấn mạnh, Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; thu hồi đất do chủ sử dụng vi phạm pháp luật đất đai, hoặc chấm dứt sử dụng đất.
Liên quan đến thời hạn giao đất nông nghiệp cho người dân, dự thảo luật quy định: thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.
Thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với đất bãi bồi ven sông, ven biển, dự thảo luật nêu rõ “Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng”. Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành để sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn giao đất còn lại. Khi hết thời hạn giao đất, nếu người dân có nhu cầu sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai thì Nhà nước tiếp tục cho thuê đất.
Một nội dung khác được người dân đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật lần này là giá đất. Dự thảo quy định nguyên tắc định giá đất “do nhà nước quyết định, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” thay cho nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”. UBND cấp tỉnh được giao trách nhiệm xây dựng giá các loại đất tại địa phương theo kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ; nhưng trong trường hợp giá đất trên thị trường tăng hoặc giảm 30% so với công bố thì phải xem xét điều chỉnh.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước. Ảnh: Anh Phương |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, về nguyên tắc xác định giá đất, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định: “Giá đất do Nhà nước xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” vì việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” như Luật hiện hành là rất khó do thị trường luôn biến động, mặt khác ở nước ta còn có những vùng, những loại đất chưa có thị trường.
Về Nhà nước định giá đất, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành quy định của dự thảo Luật về Nhà nước định giá đất trên cơ sở có khung giá của Chính phủ cho từng loại đất phù hợp với từng vùng. Dựa vào khung giá của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá của địa phương. Khung giá đất, bảng giá đất ổn định, chỉ điều chỉnh khi giá đất trên thị trường có thay đổi lớn.
“Có ý kiến đề nghị quy định rõ giá đất thị trường có thay đổi lớn là bao nhiêu phần trăm, lấy giá thị trường nào để so sánh ngay trong dự thảo Luật. Bảng giá đất ban hành lần đầu thì phải thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp nhưng khi cần thay đổi thì Ủy ban nhân dân chủ động, kịp thời điều chỉnh bảng giá và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Về mục đích xác định giá đất, có ý kiến cho rằng, giá đất vừa phục vụ mục đích tĩnh (tính thuế) vừa được dùng cho mục đích động (bồi thường) là không phù hợp. Đề nghị giá đất do Nhà nước quy định sử dụng cho mục đích tính thuế và các mục đích mang tính ổn định như xác định tiền giao đất, tiền thuê đất vv… còn đối với xác định giá đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nên xác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật giá với sự tham gia của các tổ chức định giá đất tại thời điểm thu hồi. Có ý kiến đề nghị, giá đất của Nhà nước ban hành chỉ quy định sử dụng vào mục đích tính các loại thuế, các mục đích còn lại dựa trên giá thu thuế để điều tiết. Cũng có ý kiến đề nghị giá đất của Nhà nước được áp dụng cho tất cả các trường hợp.
Liên quan đến hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Dự thảo Luật quy định, tối đa không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ.
Các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế về vấn đề này rất khác nhau. Có ý kiến nhất trí với dự thảo, có ý kiến đề nghị không quá 5 lần. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Luật đất đai hiện hành, nhưng tạo điều kiện cho tích tụ đất đai bằng cách khuyến khích người có nhu cầu sử dụng diện tích lớn thuê lại đất của nông dân để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Phần đất vượt hạn mức do thuê lại của nông dân không phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Quy định này bảo đảm cho người có đất nhưng không có điều kiện tổ chức lao động sản xuất vẫn có nguồn thu ổn định từ việc cho thuê quyền sử dụng đất của mình...
Góp ý cho dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tiến độ trình ra kỳ họp thứ 4 của Quốc hội và thông qua vào kỳ họp 5. “Để đảm bảo như vậy, Ban soạn thảo cần đặc biệt lưu ý đến các quy định về sở hữu, về quyền đại diện chủ sở hữu và quyền định đoạt của nhà nước về đất đai, sự phân cấp quản lý của chính quyền địa phương sao cho phù hợp với nội dung Hiến pháp sẽ sửa đổi”, ông Phan Trung Lý nói. Người đứng đầu Ủy ban Pháp luật cũng nhận xét, dự Luật có xu hướng “dồn quá nhiều trách nhiệm cho Thủ tướng Chính phủ; chưa phù hợp với quy định của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng”.
Với tinh thần thận trọng, ông Phan Trung Lý tán thành quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế về việc chưa nên cho phép thế chấp quyền sử dụng đất ở các tổ chức tín dụng nước ngoài.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị giữ lại trong Luật quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp xã, phường; nếu không “tình trạng quy hoạch treo sẽ rất phổ biến”. Bên cạnh đó, theo ông, giá đất chính là một trong những điểm nút quan trọng nhất cần tháo gỡ hiện nay; song dự Luật lần này lại đưa ra nguyên tắc còn mơ hồ hơn “hợp lý, phù hợp”, như thế không những không cởi được nút thắt, mà còn gây tranh cãi nhiều hơn. Tất nhiên Luật đã giao lại cho Chính phủ quy định, nhưng như vậy là nội dung quan trọng nhất thì lại không được đưa vào Luật...
(Theo SGGP)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet