Dự thảo quyết định mới về cấp phép xây dựng tại Tp.HCM
Từ khi ban hành, Quyết định 21/2013/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của Tp.HCM quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng đã đáp ứng và giải quyết được rất nhiều nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay Tp.HCM vẫn còn nhiều trường hợp chưa được cấp giấy phép xây dựng bởi đây là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh nhất cả nước.
Để giải quyết quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân có nhà, đất trong khu quy hoạch, cũng như chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép tràn lan diễn ra trong thời gian vừa qua, Thành phố đã xây dựng dự thảo quyết định mới, thay thế cho Quyết định 21/2013 nói trên, qua những cuộc họp góp ý mới đây, dự thảo được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Mở rộng các đối tượng được cấp giấy phép xây dựng
Với việc chi tiết và bổ sung nhiều quy định, dự thảo mới được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân trong vùng quy hoạch chưa có khả năng di dời hoặc còn phần đất sau khi bị thu hồi vẫn có thể xây dựng tạm để có thời gian ổn định cuộc sống. Cụ thể, đối với nhà ở riêng lẻ nằm trong quy hoạch lộ giới mở rộng các tuyến đường, hẻm hiện hữu trong đô thị đã được duyệt, công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất vẫn được cấp giấy phép xây dựng tạm.
Dự thảo cũng đề xuất trường hợp nhà ở hiện hữu thuộc hành lang bảo vệ cầu, bờ sông, kênh rạch tồn tại trước ngày 9/6/2004 (thời điểm Quyết định 150/2004 quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch tại Thành phố có hiệu lực) trong phạm vi từ 20m trở vào được cải tạo hoặc xây lại với quy mô 1 tầng (hiện Thành phố có gần 1.400 trường hợp chưa xử lý).
Ảnh minh họa
Theo đề xuất của Dự thảo, đất có quy hoạch nhưng chưa tổ chức thực hiện thì người dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được phép xây dựng quy mô công trình theo hiện trạng hoặc tối đa không quá 3 tầng.
Thời hạn sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ ghi trong giấy phép xây dựng tạm là thời gian thực hiện quy hoạch theo kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ ngày 1/7/2013 (ngày ban hành Luật Đất đai năm 2013) hoặc kể từ ngày quy hoạch được công bố đối với trường hợp quy hoạch được duyệt sau ngày 1/7/2013. Đây là thời điểm căn cứ để tính sau 5 năm nếu Nhà nước chưa thực hiện quy hoạch thì phần được cấp giấy phép xây dựng tạm, người dân vẫn được bồi thường khi thực hiện quy hoạch.
Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất trường hợp đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư đã được cấp giấy chứng nhận, không phù hợp quy hoạch đất ở nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, cũng được cấp phép tạm làm sân thể thao, sân chơi thiếu nhi, lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời. Chủ đầu tư phải cam kết tháo dỡ mà không bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch. Các trường hợp đã tồn tại công trình xây dựng trên đất nông nghiệp không phục vụ cho mục đích trồng trọt, nghiên cứu nông nghiệp…, cho phép xây dựng không cần giấy phép nhưng bị giới hạn với quy mô bán công trình, dưới 1 tầng.
Một khi dự thảo Quyết định này được hoàn chỉnh và thông qua sẽ có hàng nghìn hộ dân được cấp giấy phép xây dựng tạm, không những phục vụ dân sinh mà còn góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị. Tiêu biểu như các nhà ở riêng lẻ trong khu quy hoạch tuyến đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt và Xa lộ Hà Nội sẽ được cấp giấy phép xây dựng tạm sau khi 3 tuyến đường này được phê duyệt đồ án thiết kế đô thị riêng 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan.
Tăng hiệu quả quản lý Nhà nước
Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố cho biết: Theo Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012 của Chính phủ, việc cấp giấy phép xây dựng được thực hiện khi các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; còn lại các khu vực khác, kể cả khu dân cư hiện hữu trong đô thị và nông thôn đều không được áp dụng.
Vì thế, việc cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn Thành phố sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ do phải chờ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt; tác tác động rất lớn đến nhu cầu xây dựng hợp pháp của người dân vì hàng năm thành phố phải cấp trên 40.000 giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ của người dân dạng nhà liên kế tại những khu vực đô thị hiện hữu chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; dẫn đến tình trạng xây dựng không phép gia tăng và rất khó trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Để công tác cấp giấy phép xây dựng không bị ngưng trệ, Sở Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo quyết định nói trên với việc bổ sung nhiều trường hợp cụ thể trong việc cấp giấy phép xây dựng tạm qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước liên quan trong vấn đề xây dựng, quy hoạch đô thị, ông Tuyến cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, trong thời gian qua thông qua việc điều chỉnh, thu hồi, Thành phố đã giải quyết được 80% các dự án chậm triển khai, góp phần ổn định và đảm bảo vấn đề dân sinh.
Ông Nguyễn Hữu Tín cũng đã yêu cầu các quận, huyện thống nhất quan điểm phải bảo đảm quyền lợi của người dân có nhà ở trong vùng quy hoạch; thực hiện nghiêm túc và khẩn trương việc cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân.
Đồng tình với nội dung mới của dự thảo, Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng, dự thảo quyết định nói trên đã tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước thực hiện, kiểm soát vấn đề cấp giấy phép xây dựng theo đúng khuôn khổ pháp luật nhưng đồng thời cũng dễ thuận lòng dân, nhất là đối với các dự án quy hoạch kéo dài, gây lãng phí, bức xúc trong dư luận.
Nhằm nâng cao tính khả thi của dự thảo, theo Luật sư Nguyễn Văn Cường, dự thảo cần quy định quy mô xây dựng nhà, công trình trong khu quy hoạch dưới 2 tầng chứ không nên 3 tầng; chi tiết hóa vật liệu xây dựng để đảm bảo tính bán kiên cố nhưng vẫn an toàn, tháo dỡ gọn nhẹ, không tốn kém.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng cần bổ sung trách nhiệm giám sát của các cơ quan Nhà nước đối với vấn đề xây dựng đồng thời hạn chế sự dịch chuyển quyền sử dụng của chủ bất động sản là nhà, công trình trong khu quy hoạch để tránh nảy sinh các tranh chấp pháp lý về sau.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet