Giá đất Hoài Đức 'bốc' lên 200 triệu/m2, nhà đầu tư e ngại
Trước thông tin Hoài Đức sắp lên quận, giá đất tại một số nơi nhanh chóng tăng vọt dù không đều. Tuy nhiên, bài học từ những khu đô thị bỏ hoang ở địa bàn huyện này khiến một số nhà đầu tư không khỏi e ngại.
Hoài Đức là một huyện ngoại thành của Hà Nội. Những ngày đầu tháng 9, khi về đây trong vai trò một người mua đất đầu cơ, người viết bài đã rất bất ngờ khi việc tìm mua đất không sôi động như một số trang báo từng đưa.
Mua đất không khó, quan trọng là tiền
Một người dân sống gần UBND huyện Hoài Đức tên Lâm cho biết việc không khó để tìm mua đất ở Hoài Đức, quan trọng là người mua có bao nhiêu tiền và nhu cầu ra sao.
Theo người đàn ông này, đất tại trung tâm huyện Hoài Đức, tức khu vực quanh thị trấn Trạm Trôi, dọc trục đường 32, đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Trong đó, đất mặt đường 32 có giá đắt nhất, lên tới 100-150 triệu/m2, thậm chí có chỗ gần 200 triệu/m2 nhưng cũng khó tìm được người bán.
Các đường nhánh của quốc lộ 32 thì giá bán thấp hơn, tuy nhiên dọc một số đoạn tỉnh lộ, giá đất vẫn có thể chạm ngưỡng 100 triệu đồng/m2. Ngoài ra, còn nhiều loại đất khác như đất ruộng 5% chuyển làm dịch vụ, đất thổ cư tại các xã ven quốc lộ 32... giá cũng tăng tùy vị trí.
Đất dọc đường quốc lộ 32, Hoài Đức đang được nhiều nhà đầu tư tìm mua. Ảnh: Hiếu Công
Ông Lâm cho biết, trước đây Hoài Đức là các làng nhỏ quần tụ, theo thời gian và quá trình đô thị hóa, các làng trước kia dần lớn thêm và bắt đầu chuyển thành phố xá dọc các trục đường lớn.
Khi mua đất Hoài Đức, nhà đầu tư thường chọn đất ở chứ không mua đất nông nghiệp để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên loại đất trong trong các vùng dân cư thì số lượng rất hạn chế, nhỏ lẻ, đường giao thông cũng không thuận tiện. Đôi khi đi từ đường lớn vào có thể vòng vèo mất 2-3 km hoặc ôtô chỉ vào được đến đầu làng.
Hiện tại, các vùng dân cư ở Hoài Đức có giá đất thổ cư dao động ở mức 20-25 triệu đồng/m2, một số nơi có thể lên mức trên dưới 30 triệu đồng/m2.
Anh Nguyễn Nam, một nhà đầu tư đất lâu năm ở Hoài Đức cho biết, những người tìm đến mua đất Hoài Đức thường có hai hướng. Một số chuyên tìm mua đất ven đường 32 từ Nhổn đến sát huyện Đan Phượng, các xã cạnh Trạm Trôi, giá đất tại đây phổ biến từ 20-25 ttriệu/m2. Nhóm còn lại thường chọn các xã nằm cạnh đại lộ Thăng Long. Khu này thường là đất nông nghiệp, giá dao động 10-20 triệu/m2 tuỳ loại.
Anh Nam cho biết vẫn còn nhớ giai đoạn 2013-2014, thị trường nhà đất Hoài Đức cũng từng gây bão khi có thông tin lên quận. Giá đất khi đó từng tăng chóng mặt đến 3-4 lần. Có những lô đất bình thường bị thổi lên đến 40-50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, anh Nam thừa nhận chủ yếu do cò đất thổi giá.
Sau đó không lâu, giá đất lại “rơi tự do”, trở về với thực tế. Có chỗ từng chào bán 40-50 triệu đồng/m2 sau đó hạ xuống còn 10-15 triệu đồng/m2.
Ở thời điểm hiện tại, giá đất lại tăng 2-3 triệu đồng/m2, một số nơi tăng 4-5 triệu/m2 so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, chưa có thông tin rõ ràng nào khẳng định Hoài Đức sắp lên quận, đường sá cũng chưa thấy khởi công. Quan trọng là dân đầu cơ cũng khó có thể gom các lô đất lớn có vị trí thuận lợi .
Bài học từ những dự án "ma"
Một khu đất đã được phân lô đang được rao bán với giá 23-25 triệu
đồng/m2 tại xã Kim Chung. Ảnh: Hiếu Công
Trong khi hàng trăm ha đất của khu đô thị Kim Chung - Di Trạch bỏ hoang hóa, bất động nhiều năm qua, ngay cạnh đó, những lô đất dịch vụ của xã Kim Chung đã bắt đầu có người xây dựng nhà. Theo thông tin mà Huyền, một người dân xã Kim Chung cung cấp, tại đây có một phần quỹ đất được phân lô chia cho các hộ dân làm dịch vụ.
Nhiều người đã tìm về khu vực này mua đất. Tuy nhiên, do hạ tầng kém, lại tách biệt với làng xóm nên người dân quanh đây không mặn mà với khu đất dịch vụ này. Chị Huyền nói vui, cũng có khi do mọi người sợ khu đất này rồi cũng hoang vu như khu đô thị bên cạnh nên chả ai dám đầu tư.
Xa hơn một chút về phía nam huyện Hoài Đức, hàng trăm căn biệt thự của khu đô thị An Khánh, Bảo Sơn và Lê Trọng Tấn Geleximco cũng nằm bất động.
Anh Thanh Tùng, một nhà đầu tư kể, cách đây khoảng chục năm, dù có tiền anh cũng không dám mơ sẽ mua được nhà tại các khu đô thị này. Do thời điểm đó, do thị trường bất động sản đang rất nóng, giá nhà được đẩy cao, có căn được rao bán với giá hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn khó mua.
Vừa mới quay về Hoài Đức đầu tư đất, anh Tùng được nhiều cò đất "dụ dỗ" bằng thông tin huyện này sắp lên quận. Dù có ý định đầu tư nhưng anh Tùng vẫn còn cân nhắc xem đầu tư đất dự án hay mua của người dân, hơn nữa anh vẫn khá lo lắng khi nhớ bài học về những khu đô thị ở Hoài Đức năm xưa.
Giá đất có chắc sẽ ấm lên?
Thời điểm giữa năm 2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng có buổi làm việc với UBND huyện Hoài Đức. Tại đây, ông Hải nói Hoài Đức là huyện trung tâm nhất của thủ đô, có vị trí rất quan trọng khi nằm ở cửa ngõ phía Tây, giáp với các quận nội thành. Với những thuận lợi như vậy, ông Hải chỉ đạo cần phải tập trung nguồn lực để xây dựng nâng cấp lên quận trong năm 2020.
Đầu tháng 8 năm nay, Hà Nội cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất một số cơ chế đặc thù, xây dựng các tuyến giao thông quan trọng có tính bức xúc dân sinh. Trong bản báo cáo này có thông tin, Hà Nội muốn ưu tiên xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 nối từ đường cao tốc Thăng Long với quốc lộ 32 trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ngoài ra, còn một số tuyến đường khác như đường Tả Sông Đáy, đường sắt đô thị, các tuyến đường kết nối với Hoài Đức với trung tâm.
Huyện Hoài Đức vẫn còn nhiều khu đô thị bỏ hoang như thế này. Ảnh: Hiếu Công.
Khi chia sẻ với Zing về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cũng khẳng định khi lên quận, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ ấm lên.
Theo thông tin từ ông Trường, đến năm 2020, hạ tầng khung giao thông Hoài Đức về cơ bản sẽ được đồng bộ những trục chính đi qua huyện. Tháng 10 sẽ khởi công đường vành đai 3.5, đến năm 2018 là đường Tả đê Sông Đáy, sau đó là đường liên khu 1, liên khu 2… Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Cũng theo thông tin từ ông Trường, hầu hết tuyến đường của Hoài Đức đều rất nhỏ hẹp, chưa có gì nổi bật. Vị Phó chủ tịch huyện thừa nhận, các khu đô thị tại đây xây dựng từ lâu nhưng vẫn vướng quy hoạch chung và sự ảm đạm của thị trường nên còn bỏ hoang. 'Tuy nhiên, trong tương lai, mọi thứ sẽ thay đổi và ấm lên rất nhiều', vị cán bộ huyện cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet