Giảm yếu tố "hỏa" trong phong thủy nhà ở nhờ hình thể
Vào mùa nắng nóng, không gian nhà ở luôn cần giảm bớt tính "hỏa". Ngoài sử dụng các thiết bị hiện đại, các gia đình có thể lựa chọn thêm nhiều giải pháp phù hợp, trong đó có phong thủy, nhất là trong xu thế xây dựng nhà ở thân thiện môi trường như hiện nay.
Để trả lời những câu hỏi song hành rất thú vị như: làm sao để đón "hỏa" như đón hơi ấm không thể thiếu cho sự sống nhưng lại có thể khắc chế được nó, tiết giảm bớt những tác động xấu của "hỏa" với nơi ở? Phong thủy cũng cần lưu tâm đến các giải pháp để hạ hỏa cho nhà từ xa đến gần, từ đại thể đến chi tiết, từ vật lý đến tâm lý...
Bố trí không gian phù hợp và thoáng đãng sẽ giúp nơi ở luôn mát mẻ
Trong khoa học phong thủy, việc xây dựng nhà ở cần quan tâm nhiều đến tạo thế chứ không quá thiên về tạo hình. Ngôi nhà xưa thường có cách tạo thế tránh nắng gắt, đón gió mát rất tinh tế: phần mặt nhà dài thường phơi về hướng nam - bắc kết hợp mở thêm cửa, xoay tường đầu hồi ngắn, đồng thời hạn chế mở cửa về phía trục đông - tây.
Mái nhà Việt Nam có tạo hình giống chiếc nón lá, đây cũng là một cách ứng xử với cái nắng xứ nhiệt đới rất đặc trưng, ở sự vươn rộng nhẹ nhàng, không chỉ ngăn bức xạ trực tiếp mà còn tạo bóng đổ xuống thấp và thoát khí nóng lên cao. Kiến trúc nhà Việt còn có hệ thống hàng hiên bao quanh với tấm liếp ngăn nắng chói, giúp tạo ra vùng đệm bằng hành lang, bậc thềm… Đây là những kinh nghiệm xây dựng rất quý giá, nếu những công trình ngày nay biết kế thừa thì sẽ đạt được hiệu quả cao về khí hậu, giúp tiết giảm năng lượng để làm mát.
Chọn hệ lam phù hợp giúp giảm nắng gắt mà vẫn đảm bảo thông gió tốt
Thực tế, mặt ngoài nhà hướng tây không thể mở cửa sổ y hệt như mặt nhà hướng Đông Nam. Cho dù có dùng lam che cũng không thể sử dụng một loại mà che được mọi hướng, vì mỗi hướng có một góc mặt trời chiếu nắng và tính chất bức xạ khác nhau. Ngoài ra cũng phải tính đến sự thay đổi theo mùa và các yếu tố ngoại cảnh khác như mưa tạt, tầm nhìn, rồi đặc thù không gian bên trong... Vì thế, nếu gia chủ cảm thấy trong nhà luôn nóng bức, việc đầu tiên là rà soát lại cách thức che chắn bên ngoài và các yếu tố ngoại cảnh, từng bước từ xa đến gần, sau đó mới tính đến phương án lắp điều hoà hoặc xử lý bên trong.
Để có một ngôi nhà thân thiện với môi trường, rất cần vận dụng khéo léo những lớp đệm cách nhiệt từ việc bao che bên ngoài và nương nhờ ngoại cảnh (chẳng hạn có nhà bên cạnh che chắn hoặc có cây xanh phủ bóng mát), hoặc tự mình tạo ra (chẳng hạn các hình khối lồi lõm, phủ mái rộng hơn hoặc dùng lam che chắn)...
Nếu đặt đúng vị trí thì gạch bông gió, lam chắn sẽ giúp xử lý
nắng nóng khá hiệu quả. Ảnh: Song Nguyên
Chủ nhà cũng cần lưu ý rằng, nếu xây nhà chiếm tối đa diện tích đất thì các khoảng "thở" hữu dụng sẽ bị triệt tiêu hết khiến không khí bị nung nóng nhiều hơn do các bề mặt "cứng" tích tụ nhiệt và phản xạ lại bức xạ.
Kết quả các khảo sát khoa học cho thấy, khi vật liệu hiện đại chưa xuất hiện, những ngôi nhà nhiệt đới chủ yếu dùng mảng đặc và trổ cửa có tính toán chứ không mở tràn lan như ngày nay. Chưa kể, công trình xưa thường có hành lang bao bọc bên ngoài, tường gắn gạch hoa gió hoặc lam che nắng bố trí rất hợp lý... với các thông số nhiệt độ và độ thoáng bên trong cũng rất lý tưởng, dễ chịu. Bên cạnh đó, khuôn viên nhà nếu được xử lý bằng tường rào cây xanh, thảm cỏ mềm mại xung quanh thay vì bê-tông hóa toàn bộ sân, và kết hợp thêm mặt nước bốc hơi bên ngoài... sẽ góp phần giảm thiểu tối đa lượng nhiệt phản xạ vào nhà, giúp làm mát cả về thị giác.
Do mỗi hướng khí hậu có những đặc tính riêng nên chủ nhà cũng cần lựa chọn màu sắc, chất liệu tương ứng. Cụ thể, với những hướng có nhiều nắng gắt (như tây nam, tây) cần phải giảm bớt độ chói, thích hợp sử dụng các gam màu nhạt và phối hợp có chuyển tiếp trên bề mặt nhám, tránh phản quang. Ngược lại, với những hướng nhận ánh sáng yếu hơn hoặc thời gian bề mặt nhận sáng không nhiều trong ngày (bắc, đông bắc), chủ nhà có thể chọn gam màu tươi sáng và phối hợp tương phản. |
KTS Hoài An
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet