Giao đất giãn dân sai phạm đã rõ, nhưng chưa xử lý
Vừa qua, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì nhiều người dân bức xúc xét giao đất giãn dân không đúng đối tượng cho hàng chục trường hợp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định cho nhiều hộ gia đình.
Giao đất giãn dân không đúng đối tượng
Để giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân, ngày 28/8/1998, UBND xã Đông Mỹ đã có Quyết định số 38/QĐ-UB về việc thành lập Hội đồng cấp đất giãn dân của xã. Mặc dù, ngày 16/9/1998, Hội đồng cấp đất giãn dân xã Đông Mỹ mới họp nghe giới thiệu danh sách 75 hộ xin được giao đất giãn dân, nhưng chỉ hai ngày sau, ngày 18/9/1998, UBND xã đã có 2 tờ trình cùng số 40, đề nghị UBND huyện Thanh Trì phê duyệt kế hoạch giao đất giãn dân: Một tờ trình xin phê duyệt kế hoạch giao 9.922m2 đất giãn dân cho 100 hộ; một tờ trình xin phê duyệt kế hoạch giao 9.922m2 đất giãn dân cho 85 gia đình. Hội đồng cấp đất giãn dân xã họp thông qua đợt hai 18 hộ vào ngày 26/12/1998, bổ sung tiếp 11 hộ vào ngày 28/12/1998 và cũng trong ngày 28/12/1998, UBND xã Đông Mỹ đã lập, trình UBND huyện Thanh Trì danh sách 100 hộ dân xin giao đất giãn dân, với tổng số diện tích là 9.620m2. Đặc biệt, qua rà soát 100 trường hợp đã được giao đất giãn dân vào năm 1998 tại xã Đông Mỹ, Thanh tra thành phố Hà Nội phát hiện 32 trường hợp sai phạm, trong đó có 17 trường hợp nộp đơn sau thời điểm khóa sổ, trong gia đình đã có người được giao đất, tại danh sách xét duyệt không thể hiện diện tích đất đang sử dụng; 15 trường hợp không đủ điều kiện về nhân hộ khẩu, chuyển tên đối tượng được giao đất không đúng quy định...Nhiều ngôi nhà đã và đang được mọc lên trên đất giãn dân được cấp năm 1998. |
Quá trình thẩm tra hồ sơ xin giao đất giãn dân tại xã Đông Mỹ, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện đã không làm rõ 32 trường hợp không đủ điều kiện; tham mưu cho UBND huyện phê duyệt danh sách 100 hộ xin cấp đất giãn dân năm 1998, với diện tích 9.620m2 vào ngày 15/7/1999, nhưng lại tham mưu cho UBND huyện Thanh Trì lập tờ trình số 360/TT-ĐC cùng ngày 15/7/1999 đề nghị UBND thành phố phê duyệt kế hoạch giao đất giãn dân cho 100 hộ gia đình, với số diện tích là 9.922m2. Ngoài ra, sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 6272/QĐ-UB ngày 23/10/2001 phê duyệt kế hoạch giao 9.922m2 đất cho 100 hộ, UBND xã Đông Mỹ đã điều chỉnh diện tích đất xin giao của các hộ, đồng thời bổ sung thêm 3 hộ vào danh sách các hộ được giao đất giãn dân. Trong khi UBND huyện Thanh Trì chưa có quyết định giao đất giãn dân cho 3 hộ này, song UBND xã Đông Mỹ đã tự ý giao đất trên hiện trạng và thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 3 hộ nêu trên. Hiện tại, trong số 35 hộ được giao đất giãn dân không đúng đối tượng, có 23 trường hợp đã chuyển nhượng đất cho người khác, 11 trường hợp đã xây dựng nhà cửa.
Đến nay, cả xã Đông Mỹ và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thanh Trì vẫn không cung cấp được cho các cơ quan chức năng của thành phố danh sách các hộ dân qua những lần họp xét duyệt, danh sách 100 hộ dân trình UBND huyện, UBND thành phố xin phê duyệt kế hoạch giao đất?!
Sai phạm trong cấp "sổ đỏ"
Khu vực Đồng Nội có nguồn gốc là đất nông nghiệp, gia đình các ông, bà: Tiến, Tuyết, Thìn, Tĩnh, Hải, Long, Hoàng, Toán tự ra canh tác, sau năm 1994 đã dựng nhà tạm, dần dần chuyển đến đó sinh sống. Thế nhưng, năm 2003, khi xác nhận vào đơn xin cấp GCNQSDĐ của các hộ dân, UBND xã Đông Mỹ lại xác nhận là "đất ở". Khu Mây Tre Đan có nguồn gốc đất công, tạm giao Tổ mây tre đan sử dụng. Năm 1993, Tổ mây tre đan giải thể, ông Trần Nhì tự ở lại phần đất đó, đến năm 2003, ông Trần Nhì làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ. Ngoài ra còn có hộ gia đình bà Tuyết, bà Ngân, bà Oanh có diện tích đất liền kề đã lấn chiếm thêm diện tích đất ở khu vực này, song UBND xã Đông Mỹ lại xác nhận cho gia đình ông Trần Nhì số diện tích đó có nguồn gốc là "đất ở" và không làm rõ số diện tích lấn chiếm đất công của các hộ. Nguồn gốc đất của gia đình ông Dụ ở khu vực cây đa Hạ Thái là đất nông nghiệp, nhưng UBND xã Đông Mỹ lại cho rằng gia đình ông Dụ sử dụng diện tích đất đó trước ngày 15/10/1993, hiện trạng sử dụng là "đất ở" và đã làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Dụ vào năm 2007. Gia đình bà Phong lấn chiếm đất hoang tại khu vực Lò Gạch do UBND xã quản lý, tại bản đồ năm 1994 thể hiện là 3 thửa đất, với 3 công trình xây dựng, nhưng trong biên bản kiểm tra hiện trạng, xã lại ghi có 4 công trình, rồi sau đó cho phép gia đình bà Phong tách thành 4 thửa. Hơn nữa, trong khi gia đình bà Phong có 400m2 đất ở liền kề, song vẫn xác định phần lớn diện tích đất lấn chiếm được cấp GCNQSDĐ không phải nộp tiền sử dụng đất là trái quy định của pháp luật...Những sai phạm trong giao đất giãn dân, cấp GCNQSDĐ tại xã Đông Mỹ là rất nghiêm trọng, diễn ra trong một thời gian dài, để lại hậu quả nặng nề, rất khó khắc phục. Việc để xảy ra những sai sót này, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền xã Đông Mỹ; sự thiếu trách nhiệm của Phòng Tài nguyên - Môi trường và sự thiếu kiểm tra của UBND huyện Thanh Trì. Theo ông Chử Bá Phượng, Chánh thanh tra huyện Thanh Trì, thì trách nhiệm chính trong sai sót ở xã Đông Mỹ thuộc về ông Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND xã giai đoạn 1996-2007, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì. Tìm hiểu chúng tôi được biết, điều mà người dân bức xúc nhất hiện nay, đó là những sai phạm ở xã Đông Mỹ đã được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì kết luận rõ ràng, song những cán bộ vi phạm không những chưa bị xử lý, mà còn được đề bạt lên vị trí cao hơn? Rất mong UBND thành phố Hà Nội sớm chỉ đạo huyện Thanh Trì giải quyết dứt điểm vụ việc, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân vi phạm, giải tỏa bức xúc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài.
(Theo HNM)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet