Giữ lại nếp cũ hồn xưa
Qua cầu An Lộc, chiếc cổng tam quan e ấp bên đường với cái tên thật gợi mở: Bến Xưa! Một thảm cỏ mênh mông dẫn ta lạc vào không gian cổ xưa thanh khiết.
- Từ hơn 2ha đất chỉ toàn đầm lầy, ruộng rau muống, làm thế nào để chị có thể tạo dựng nên một cơ ngơi như hôm nay?
Ban đầu nhìn chỉ toàn thấy nước mênh mang cũng ngao ngán lắm, nhưng rồi cứ bồi đắp từng chút, từng chút một mà thành. Diện tích xây dựng rất ít, hai phần ba khu đất giành cho hồ bơi, cây xanh, các hồ nhỏ trồng hoa súng, hoa sen, và những rặng cây cổ thụ như hàng cây sanh dọc bờ sông, cây hoa sữa… Tôi thích cây sanh vì dễ trồng, có tán rộng, khiến cho cả một bến sông rợp mát.Có hơn 3.000m2 hồ lớn, nhỏ. Những chiếc hồ này cũng hoàn toàn tự đào. Tôi không phải là kiến trúc sư, nên những ngôi nhà cổ ven sông hoàn toàn theo quan niệm về cái đẹp của mình, một cái đẹp giản dị, mộc mạc, để du khách và bạn bè có thể đón gió sông và ngắm nhìn cây cỏ nở hoa một cách thảnh thơi. Sáu cụm nhà cổ với những nét trạm trổ tinh vi đều do những bàn tay tài hoa của người thợ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Long Xuyên đảm nhận. Ngôi nhà chính dành để đón khách là căn nhà ngói năm gian xoay mặt về hướng đông đón gió từ cổng tam quan thổi vào, mô phỏng theo kiến trúc cổ, bỏ bớt cột và cao hơn, rộng hơn nhà cổ nguyên mẫu, để tạo nên không gian giao tiếp phóng khoáng hơn.Những bộ ghế, bao lam, bộ phản xưa là công trình sưu tập của tôi và gia đình trong nhiều năm. Tôi mê văn hoá chạm trổ đồ gỗ của người xưa, và có một xưởng gỗ trong nhà. Vẫn biết mình không là gì so với nghệ thuật chạm trổ mấy trăm năm của người xưa, nhưng ý thức gìn giữ, bảo tồn những nét chạm trổ rất Việt như hoa lá, muông thú, tứ quý… là điều mà tôi tâm huyết, và muốn cho bạn bè mình cùng thưởng thức. Anh Cao Lập, người đã thành công với khu du lịch Bình Quới, Văn Thánh cũng giúp tôi rất nhiều việc tôn tạo cảnh quan và ẩm thực Nam bộ cho Bến Xưa.
Tái hiện không gian kiến trúc xưa | hài hoà với tính công năng cao. |
- Bộ sưu tập những chiếc máy hát cổ, máy chụp hình cổ, bức hoành phi câu đối từ hơn trăm năm trước… phải chăng chị muốn tái hiện cuộc sống của người xưa?
Tôi có một người em trai, cậu ấy mê sưu tập máy hát lắm, có đủ các đời, từ đĩa đá đến đĩa nhựa. Tôi nhớ như in hình ảnh hồi nhỏ về quê ăn đám giỗ. Bà con tụ họp quây quần làm bánh chưng, bánh tét. Bà nội tôi thường ngồi ở bộ phản bên này ngoáy trầu, têm trầu. Bến kia là cái máy hát đang ca một bản cải lương ngọt lịm…Hình ảnh ấy cứ đọng hoài trong tâm trí tôi. Và hôm nay, nó hiện lên hư hư, thực thực nơi đây, như một “nhà quê” yên tĩnh, nơi bạn có thể thả hồn để suy ngẫm về cuộc đời, không bon chen, không phiền muộn.
- Con đường “trở về” với chị đầy gian nan, điều gì đã giúp chị có được sự nhẫn nại đến cùng với một ước mơ gần như khó thực hiện?
Tôi là người hoài cổ. Đây là mảnh đất do ông bà để lại, cũng là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm. Nơi đây từng nuôi giấu cán bộ trong những ngày ba má tôi làm cách mạng. Tuổi thơ của tôi và các em đã từng cắt rau muống, nuôi cá, trồng lài, tắm sông, hò hẹn... Tôi thuộc từng gốc dừa, từng rặng đước, từng ngọn rau… Chính vì thế mà tôi muốn giữ lại mảnh đất của tổ tiên, và biến nó thành nơi chốn bình yên cho tất cả những thành viên của gia đình, bè bạn. Một không gian lưu giữ những vẻ đẹp của thiên nhiên, kiến trúc, văn hoá và ẩm thực của người xưa…Ước mơ ấy không thể chỉ một đời làm được, cần phải nhiều thế hệ, nhiều đời, và mình chỉ là người khởi xướng, người đốt lửa. Cũng nhờ nghĩ thế mà có sức mạnh, và truyền sức mạnh ấy cho con mình, em mình, bạn bè mình, để cùng nhìn về quá khứ, chắt lọc những vẻ đẹp của quá khứ, tạo dựng một vẻ đẹp mới vừa mang tính công năng cao, vừa giữ được hồn cốt của cha ông.
- Từng là một nữ tướng tài hoa của khu du lịch Kỳ Hoà, bây giờ hạnh phúc với chị là gì?
Năm 1993, tôi về Kỳ Hoà, lúc ấy nợ công lên đến hơn 20 tỉ, để trả hết nợ nần và làm ăn có lãi, điều duy nhất tôi nghiệm ra là phải sống sao cho mọi người thương. Gắn bó với anh em từ bấy đến giờ, tôi may mắn được bạn bè và các cấp lãnh đạo đều thương mến, giúp đỡ, chứ mình có tài năng gì xuất sắc lắm đâu.
Bây giờ, hạnh phúc nhất với tôi là được sống với một giấc mơ đẹp, được tạo dựng nên cái đẹp của riêng mình, không phải của người khác. Cuộc sống không phải ai cũng có may mắn có một khoảnh đất rộng như mình do cha mẹ để lại, nếu chỉ nghĩ đến kinh doanh đơn thuần thì đơn giản lắm. Nhưng tôi mong muốn chia sẻ niềm vui mà mình đang có với tất cả bạn bè, người thân.- “Một mình xây nhà, một mình xây tổ ấm”, chị nghĩ gì về những người mẹ đơn thân khi vun vén cho hạnh phúc của riêng mình?
Cũng có người nói tôi một mình mà làm chi dữ vậy? Cuộc sống có khi vui, khi buồn. Là người mẹ đơn thân cũng có cái hay của nó, được tự do quyết định, tự do chọn lựa, nhưng nhiều khi khó khăn bệnh hoạn, không biết chia xẻ cùng ai… Nhưng ở tuổi này của cuộc đời, người bạn đời đối với tôi không còn quan trọng nữa, tôi còn có rất nhiều tình bạn khác sưởi ấm trái tim mình. Đúng ra, phải gọi nơi đây là “ngôi nhà bè bạn”. Tôi làm Bến Xưa không phải cho riêng mình. Là một người hoạt động xã hội, tôi cũng muốn đây sẽ là sân chơi chung của tất cả những ai yêu thiên nhiên, yêu văn hoá Việt.
- Chị đã học được điều gì từ cuộc đời của mẹ, để có thể chống chọi với những thử thách của cuộc đời?
Mẹ tôi là người phụ nữ của gia đình, suốt đời tận tuỵ vì chồng vì con. Cha ở tù, một mình mẹ với chiếc gánh trên vai tảo tần nuôi đàn con khôn lớn, nên người. Chị Sáu Thảo trong một lần chấm thi nấu ăn đã nói về tôi: “Con bé này không biết nấu mà biết nếm”.
Khẩu vị tinh tế của tôi được thừa hưởng từ mẹ. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Tôi nhớ mãi món bì cuốn của mẹ, có đầy đủ vị chua chua, chát chát của rau sơn, rau chiếc, lá lụa. Hay món rau mốp chấm mắm nêm, mắm bằm… Hy vọng đầu tháng 3 này khi Bến Xưa mở cửa, mọi người có thể thưởng thức những món ăn đồng quê Nam Bộ còn nguyên gốc như thế.
Là chị cả trong gia đình mười hai đứa em, ngay từ nhỏ, cuộc sống vất vả đã tạo lập cho tôi một bản lĩnh mạnh mẽ, dám đương đầu. Cùng với mẹ, chị em tôi thay nhau chăm sóc cho các em, chị lớn chăm cho em nhỏ, trách nhiệm của người chị cả trong tôi lớn lắm.
Gỗ và nghệ thuật chạm trổ của người xưa được lưu giữ. |
- Điều gì chị muốn truyền lại cho các con mình?
Tôi có hai con, cháu trai đang học công nghệ thông tin ở Mỹ, và cháu gái học quản trị khách sạn ở Thuỵ Sĩ, cả hai đều hứa sẽ về với mẹ, sau khi đã thành tài. Dù con đã lớn, các cháu vẫn đi xe đạp, và chỉ xài trong phạm vi đồng lương mà mình kiếm được. Tôi muốn các con không ỷ lại, biết nghĩ tới gia đình, tới cộng đồng, nếu kinh doanh tốt phải biết dành dụm cho các hoạt động xã hội từ thiện.Bến Xưa không chỉ mang ý nghĩa của sự trở về, mà còn là cái bến trong tâm tưởng, để nghĩ về gia đình, về con cái. Hạnh phúc nhất với tôi chính là khi nhìn thấy các con nên người. Hãy coi những giá trị gia đình là điều quý giá nhất, để biết dành thời gian chăm sóc cho các con trưởng thành, đó là điều mà tôi muốn chia sẻ với tất cả những người làm cha, làm mẹ.
Mốt “nhà quê” yên tĩnh và “trong lành”. |
Cao Lập, nguyên giám đốc khu du lịch Bình Quới: Tôi rất hứng thú với quần thể kiến trúc xưa nơi đây, lưu giữ được nhiều những giá trị thẩm mỹ, văn hoá của người Việt, giữa một không gian xanh nên thơ đây là một không gian kiến trúc mà tôi mơ ước được làm, slogan của Bến Xưa “Nơi văn hoá và ẩm thực Việt được giữ gìn”, rất thú vị với tôi. Tôi tin với tâm huyết và trải nghiệm của mình, chị Thuý sẽ thực hiện được tiêu chí đặt ra và thành phố chúng ta sẽ có thêm một địa chỉ văn hoá, ẩm thực mới có giá trị vốn không nhiều lắm hiện nay. |
(Theo SGTT)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet