Hà Nội đang chuẩn bị những gì cho đô thị thông minh?
Trong đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội được coi là hạt nhân, từ đó hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh. Trên thực tế, Hà Nội đã và đang có những bước chuẩn bị đầu tiên trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.
Thách thức của Hà Nội khi phát triển đô thị thông minh
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội là một siêu đô thị lớn cả về diện tích và quy mô dân số. Sự gia tăng dân số cơ học khiến thủ đô phải đối mặt với nhiều vấn nạn của quá trình phát triển như ô nhiễm môi trường, tắc đường, sự xuống cấp của hạ tầng, sự quá tải của y tế, giáo dục… Mô hình đô thị thông minh được coi là giải pháp cho những bất cập trên. Vì thế, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội đang hướng tới một mô hình đô thị mà các giải pháp thông minh mang tới sự an toàn, tiện ích, thân thiện cho con người.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, để thủ đô phát triển
theo hướng đô thị thông minh, rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp
Theo ông Chung, phát triển đô thị thông minh sẽ theo đuổi mục tiêu là hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị…
Tuy nhiên, để phát triển theo hướng đô thị thông minh, Hà Nội cần trả lời nhiều câu hỏi. Mô hình nào, phương thức nào cho phát triển đô thị thông minh ở Hà Nội? Hàng loạt những vấn đề liên quan như chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... sẽ được thực hiện như thế nào?
Hà Nội đã sẵn sàng xây dựng thành phố thông minh
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, một trong những thách thức lớn khi phát triển đô thị thông minh là nguồn vốn. Ngoài nguồn lực từ ngân sách thành phố, Hà Nội sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Hà Nội cũng sẽ phân loại các dịch vụ công trong phát triển đô thị thông minh. Theo đó, dịch vụ công nào mà tư nhân có thể đảm nhiệm thì chuyển cho tư nhân làm. Thành phố cũng chủ trương xã hội hóa các hình thức thuê dịch vụ liên quan, phần mềm, đường truyền, hạ tầng của các doanh nghiệp…
Để phát triển đô thị thông minh, ngoài nguồn lực từ ngân sách thành phố, Hà Nội
sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn. Ảnh: Internet
Ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng được giao là cơ quan thường trực của Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng là phối hợp cùng các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Có 7 quan điểm và nguyên tắc xuyên suốt trong việc phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay. Đáng chú ý, các quan điểm và nguyên tắc đều lấy người dân làm trung tâm, mọi công dân đều có thể hưởng thụ lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.
Cũng theo ông Thái, hiện Bộ đang tập trung xây dựng các cơ sở pháp lý cho phát triển đô thị thông minh. Bộ sẽ tiến hành đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Cả nước đã có hơn 20/63 tỉnh, thành phố xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể phát triển đô thị thông minh.
Ở lĩnh vực giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, Sở đang hợp tác với các tập đoàn công nghệ như Viettel, FPT… xây dựng ứng dụng phần mềm về giao thông thông minh. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang triển khai 6 nhóm giải pháp đồng bộ. Giải pháp nổi bật trong đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc của thành phố.
Về phía ngành thông tin truyền thông, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trong tương lai, các công nghệ ICT sẽ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống như giáo dục, giao thông, y tế, cung cấp dịch vụ công… Ngoài ra, công nghệ số cũng sẽ được áp dụng trong công tác quản lý đô thị; xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, đất, chất thải...); hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu môi trường phục vụ nâng cao năng lực dự báo, phòng chống, ứng phó khẩn cấp và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu... Mục đích của các giải pháp là giúp cuộc sống của người dân trở nên thuận tiện hơn, nâng cao chất lượng sống và sự hài lòng của người dân.
Bình Nguyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet