Hà Nội: Đất 25 m2 có thể xây nhà ba tầng?
Hôm qua (3-6), UBND TP Hà Nội đã họp bàn về quy chế quản lý kiến trúc hai bên đường đô thị và xử lý các công trình siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. Đây là vấn đề Hà Nội đang muốn làm quyết liệt trong chỉnh trang đô thị để hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
8 công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
Thu hồi đất siêu mỏng, siêu méo
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội cho biết đối với tuyến đường đã thực hiện dự án cải tạo, mở rộng nhưng vẫn còn tồn tại các ô đất không đủ điều kiện xây dựng công trình thì phải thống kê số đất không đủ điều kiện xây dựng, số công trình xây dựng trên đất không đủ điều kiện xây dựng. Sau đó phân loại, đánh giá các công trình kém thẩm mỹ như nhà siêu mỏng, siêu méo làm ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị rồi đề xuất các biện pháp xử lý đối với từng công trình.
Đối với các ô đất không đủ điều kiện xây dựng công trình thì thu hồi với mức giá bồi thường bằng mức giá bồi thường các ô đất tương tự áp dụng chung cho cả dự án. Đất này ưu tiên chuyển nhượng cho hộ dân phía trong hoặc liền kề nếu có nhu cầu để hợp khối, theo giá trị đất của tuyến đường mới mở. Nếu hộ dân phía trong hoặc liền kề không có nhu cầu sử dụng ô đất này thì UBND quận, huyện sẽ sử dụng ô đất vào mục đích công cộng.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Hải cũng đề xuất nội dung khuyến khích các hộ dân tự nguyện thỏa thuận việc chuyển nhượng, chuyển đổi quyền sử dụng đất nhỏ lẻ để xây dựng công trình hợp khối.
Về vấn đề này, đại diện của nhiều quận cho rằng để người dân tự thỏa thuận với nhau sẽ khó đạt được kết quả. Người có đất ở bên ngoài thường đưa ra giá cao trong khi người có đất ở bên trong lại khó mua nổi. Phó Chủ tịch UBDN TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng không nên quy định như vậy vì sẽ phải kéo dài thời gian. Đất siêu mỏng, siêu méo sẽ phải thu hồi cùng với dự án và bồi thường theo dự án.
Hiện các chủ đầu tư chỉ bồi thường diện tích lấy làm đường, còn diện tích đất nhỏ lẻ dư lại ở hai bên mặt phố thì họ không quan tâm. Lãnh đạo UBND quận Đống Đa kiến nghị khi quy hoạch cần xác định luôn những mảnh đất nhỏ lẻ để thu hồi cùng với dự án, không nên để đến khi giải phóng mặt bằng mới lòi ra những mảnh đất “tý hon” này.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kết luận giao các mảnh đất siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại cho quận, huyện phân loại, xử lý. Với những dự án sẽ được thực hiện trong thời gian tới, việc thu hồi đất siêu mỏng, siêu méo phải đưa vào thực hiện trong dự án làm đường, chủ đầu tư sẽ thực hiện việc bồi thường. Tất cả ô đất siêu mỏng, siêu méo đã có từ trước và mới phát sinh các quận, phường đều phải giữ để xử lý theo quy định, tuyệt đối không được cấp phép xây dựng.
Các khu nhà siêu mỏng ở Hà Nội.
Nhà kỳ quái tính sao?
Hà Nội đang xuất hiện hàng loạt tuyến phố có nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo. đó là các tuyến phố Ô Chợ Dừa - Kim Liên, Đào Tấn, Nguyễn Phong Sắc, Giang Văn Minh, Giải Phóng... Nhiều nhà có hình thù kỳ quái, méo mó, thiết kế uốn éo theo thế đất, có nhà giống như chuồng chim, có nhà hai bức tường chỉ cách nhau một sải tay, nhiều nhà chỉ có vẻn vẹn 5-6 m2 nhưng được chồng lên bốn, năm tầng. Tuyến đường Ô Chợ Dừa - Kim Liên có những dãy nhà cao ba, bốn tầng trông như hộp diêm dựng đứng, ngay cạnh đó là những căn hộ cấp bốn thấp lè tè, xây dựng chắp vá.
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, từ năm 2007 đến nay đã có trên 170 nhà siêu mỏng hoặc lô đất mặt đường, mặt phố có kích thước hình học bất hợp lý. Riêng quận Tây Hồ có 80 trường hợp, quận Ba Đình có 53 trường hợp, quận Hai Bà Trưng có 18 trường hợp... Khó nhất trong việc xóa nhà đất siêu mỏng, siêu méo là không có nguồn kinh phí để bồi thường, giải tỏa, nếu bồi thường theo giá của nhà nước thì người dân khó chấp thuận. Đất trên đường Ô Chợ Dừa - Kim Liên hiện có giá gần 100 triệu đồng/m2 trong khi giá bồi thường của nhà nước chỉ có 35 triệu đồng/m2.
Dự thảo quản lý kiến trúc công trình xây dựng hai bên đường của TP Hà Nội dự kiến như sau:
- Đất từ 25 m2 đến dưới 36 m2, mặt tiền từ 3 m trở lên: Được xây nhà ba tầng.
- Đất từ 36 m2 đến dưới 45 m2, mặt tiền 3 m trở lên: Được xây nhà bốn tầng.
- Đất từ 45 m2 đến 50 m2, mặt tiền lớn hơn 4 m: Được xây nhà năm tầng.
- Đất lớn hơn 50 m2, mặt tiền lớn hơn 8 m: Được xây sáu tầng.
- Nhà từ vành đai 2 trở vào trung tâm thành phố: Được xây tối đa sáu tầng.
- Ô đất dưới 25 m2 sẽ không được xây nhà. Những ô đất có kích thước hình học nhiều góc cạnh, tỷ lệ chiều dài, chiều rộng không hợp lý theo quy hoạch, kiến trúc thì cũng không được xây nhà.
- Nhà liền kề ở hai bên tuyến đường có chiều rộng chung của cả dãy từ 20 m đến 50 m, nếu cùng chức năng sử dụng, quy mô công trình, kích thước mặt chính thì bắt buộc phải thiết kế cùng hình thức kiến trúc để tạo thành công trình hợp khối thống nhất.
Theo Pháp Luật TP.HCM
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet